Sau đây tôi xin ghi lại tóm tắt vài thách đố mà theo tôi, các linh mục ngày nay thường gặp. Tôi đã chia sẻ mấy thách đố này với nhóm anh em linh mục trẻ dòng Phanxicô trong dịp Thường huấn của họ vào năm 2008. Theo cuốn Từ điển tiếng Pháp Le nouveau Petit Robert, nghĩa hiện đại của từ thách đố (défi) là một khó khăn, trở ngại bên trong hay bên ngoài cần phải vượt qua trong quá trình phát triển của một xã hội, một nền văn minh; ở đây, chúng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa này áp dụng cho đời sống và hoạt động của các linh mục trẻ.
1. Quan hệ với giáo dân
Theo tôi, xét trong bối cảnh xã hội, văn hoá Việt Nam và những tập tục lâu đời trong Giáo Hội chúng ta, đây là khó khăn hay thách đố rất lớn, rất phổ biến. Khó khăn liên quan tới hai điểm chính.
a- Thiết lập mối quan hệ đúng đắn, chân thật với giáo dân.
Ngay lập tức sau khi ta chịu chức linh mục, mối liên hệ giữa ta và giáo dân (và nói chung với mọi người chung quanh) đã khởi sự thay đổi; mối liên hệ ấy bị tách ra khỏi cái nền tảng tự nhiên hay xã hội vốn có xưa nay giữa ta với kẻ khác. Trước hết là về phía họ. Họ bắt đầu nhìn ta khác đi, họ ăn nói với ta cũng khác trước, họ cư xử với ta không giống như xưa nay. Ta không còn "tiên vàn" là người quen, là đồng hương, bạn học, học trò, là cháu, thậm chí là anh em ruột thịt hay con cái nữa. Bây giờ ta là "cha", người của Giáo Hội, người của Chúa, người thay mặt Chúa, người lãnh đạo tinh thần của đoàn Dân Chúa, v.v. [Một hôm mới đây khi về thăm nhà, một đứa chắt ba tuổi đột ngột hỏi tôi: "Ông là Cha hả?" Mới bằng ấy tuổi, nó đã bắt đầu cảm nghiệm được nét đặc biệt của một người "ông" đồng thời còn là "cha"!]. Trong ngày một ngày hai, linh mục chúng ta được họ đẩy lên bên trên họ, vào trong một vùng hào quang nào đó; trong ngày một ngày hai, họ dựng lên một thứ bức tường hay bức màn vô hình ngày càng cao ngăn cách họ với ta. Vì thế thật khó thiết lập một mối quan hệ "bình thường" giữa ta và họ, nhất là giữa ta và giáo dân.
Trong một tình cảnh như thế, làm sao chúng ta không dần dần cảm thấy mình "khác biệt", "đặc biệt" và thậm chí thuộc tầng lớp "trên" so với mọi người, dù bản thân ta lúc đầu không muốn? Dĩ nhiên, trong xã hội dân chủ tự do ngày nay đã có khá nhiều thay đổi trong mối quan hệ linh mục-giáo dân so với xã hội phong kiến ngày xưa, nhưng trong căn bản, sự phân cách vẫn còn lớn. Bị đẩy xa, đẩy lên cao, đẩy vào vùng hào quang lấp lánh, không khéo dần dần ta cũng tưởng nghĩ mình là như thế ... -có lẽ một cách vô thức chăng? Cho nên cám dỗ lớn đối với linh mục, nhất là linh mục coi xứ, là quyền hành, độc đoán, hống hách, coi thường dân chúng. Đối với không ít linh mục Việt Nam ta, "đối thoại" với giáo dân còn là chuyện xa lạ. Chấp nhận con đường khiêm nhường, nghèo khó Phúc Âm quả là không dễ!
Trong 1Tm 5,1-2, thánh Phaolô nhắc nhủ môn đệ mình: "Đừng nặng lời với cụ già, [chỉ nặng lời thôi cũng không được phép, huống hồ là mắng nhiếc, bạo hành], nhưng khi khuyên nhủ, hãycoi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em với tấm lòng hoàn toàn trong sạch" (tôi nhấn mạnh). Như ta thấy đó, thánh Tông Đồ không hề coi nhẹ vai trò cốt yếu của người mục tử - Timôthê vẫn phải khuyên nhủ ngay cả đối với các cụ già - nhưng ngài muốn họ thi hành nhiệm vụ mình trên cơ sở mối liên hệ xã hội văn hoá bình thường với giáo dân (các cụ già vẫn là như cha mẹ tôi, v.v. và tôi phải cư xư với họ như thế ). Chúng ta cũng không được quên rằng Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh phẩm giá và sự bình đẳng căn bản chung giữa linh mục và giáo dân: họ đều là môn đệ Chúa Kitô như nhau, đều được dự phần trong Nước Chúa nhờ ơn gọi chung, đều là chi thể của cùng một thân thể duy nhất, do đó: "cùng với tất cả những ai được tái sinh trong suối nước Rửa Tội, các linh mục là những anh em giữa các anh em"(x. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mụcPresbyterorum Ordinis số 9).
b- Nhìn nhận cách tích cực vai trò của giáo dân
Giáo lý Công đồng thật rõ ràng và mạnh mẽ. Người linh mục phải:
- yêu mến và kính trọng giáo dân,
- nhìn nhận và nâng cao phẩm giá của giáo dân,
- nhìn nhận và khích lệ vai trò riêng của giáo dân,
- biết lắng nghe giáo dân, biết chấp nhận cả những phản biện của giáo dân,
- biết chủ động tìm kiếm ý kiến và đóng góp của giáo dân,
- và chuyên cần phát triển những đặc sủng muôn hình muôn vẻ của giáo dân (Hiến chế Lumen Gentium 37; Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis 9).
Trong Ngày Truyền Giáo 21-10-2008 tổ chức tại Huế, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Chủ tịch Uỷ Ban Giám mục về Loan Báo Tin Mừng đã trả lời đại khái như sau cho một linh mục hỏi về bí quyết điều hành một giáo xứ có năm ngàn dân thế nào cho họ khỏi thụ động: "Phải trả lại cho giáo dân vai trò của họ (...); chính các linh mục phải chấp nhận con đường nhỏ bé, nghèo khó, không nên bao thầu nhiều việc khiến cho giáo dân trở nên thụ động".
Tôi nhớ lại lúc còn chịu trách nhiệm về Tỉnh Dòng Phanxicô, một lần đến chào Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà tại Toà Giám mục Nha Trang, tôi hỏi Đức cha có gì cần nhắc bảo anh em Phanxicô làm việc trong Giáo phận không, và ngài đưa ra nhận xét: Các cha dòng thường có nhiều khả năng và nhiều anh em trong cộng đoàn giúp đỡ nên họ thường muốn tự làm lấy mọi việc cho mau lẹ, hữu hiệu và có khi còn đỡ tốn kém hơn là giao cho giáo dân. Nhưng như thế thì bao giờ giáo dân mới tiến được? Nên"chịu khó" và kiên nhẫn với họ hơn.
2. Cá nhân chủ nghĩa và mối bận tâm tự khẳng định mình
Cá nhân chủ nghĩa cũng là một cám dỗ không nhỏ đối với anh em linh mục và nhất là anh em linh mục làm mục vụ giáo xứ. Do nhiệm vụ, chúng ta sống một mình nhiều hơn, chịu trách nhiệm về công việc của mình nhiều hơn, ta làm gì, làm thế nào - thực ra - anh em khác không biết rõ lắm (trừ ra khi chính ta chủ động cởi mở chia sẻ với họ), tình trạng này có thể dẫn đến cảm giác ta tự đủ cho mình rồi và mọi sự can dự từ ngoài đều là cản trở. Khi ta cứ lủi thủi một mình với công việc, với các dự tính, với các ý nghĩ của mình mà chẳng muốn chia sẻ với ai: đó là một dấu hiệu của cá nhân chủ nghĩa bắt đầu. Khi ta coi anh em khác cùng làm việc với mình chỉ như kẻ để nhờ cậy, không như một cộng sự viên thực thụ: đó là một dấu hiệu khác của cá nhân chủ nghĩa. Khi ta không muốn chia sẻ về công việc của mình với cộng đoàn, hay chỉ tham khảo cộng đoàn khi đã rơi vào khó khăn bế tắc rồi, hoặc ta cảm thấy cộng đoàn là kẻ cản trở ta, không cho ta được thăng tiến,v.v.: đó cũng là một dấu hiệu của cá nhân chủ nghĩa. Theo nhận định của nhiều anh em trong Tỉnh Dòng, các anh em linh mục trẻ khó làm việc chung với nhau, nếu nhận định nầy đúng thì đó cũng có thể được coi là một dấu hiệu của cá nhân chủ nghĩa.
Cá nhân chủ nghĩa có thể hình thành và gia tăng với mối lo lắng tự khẳng định mình. Muốn tự khẳng định mình, điều đó chẳng có gì xấu, nhưng nếu nó trở thành một mối bận tâm thì lại không tốt nữa. Mối bận tâm này thường gặp nơi các linh mục trẻ ngày nay hơn nơi các thế hệ đàn anh. Tại sao như thế? Phải chăng nó phát xuất từ một phản ứng tự vệ nào đó khi người ta có cảm giác rằng mình thua kém hay bị coi là thua kém về mặt nào đó? Hay từ sự kiện là anh em ra làm việc khi tuổi đã cao (so với ngày xưa), đã có nhiều kinh nghiệm đời (như quan hệ xã hội, nghề nghiệp ...so với xưa), nhưng mình vẫn là "linh mục trẻ"? Hay là do anh em tuy tuổi đời linh mục còn trẻ nhưng lại sớm nhận nhiệm vụ quan trọng (cha chánh xứ, phó xứ) - điều này cũng rất khác với ngày trước. Còn những nguyên nào khác nữa không?
Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đã chia sẻ trên Vietnam.net 06/10/08 về giới trẻ ngày nay như sau: " Ở bạn trẻ bây giờ, cảm giác tự do rất mạnh. Hơn hẳn cái đó ở bọn tôi (...) Các bạn giờ sống với cả thế giới, nhiều bạn có cảm giác mình là công dân thế giới (...) Song đằng sau vẻ rất lanh, rất khôn, tiếp cận và hiểu biết nhiều, lớp trẻ bây giờ lại gợi trong tôi một cảm giác thiếu chắc chắn, trên đại thể lại lờ mờ, thiếu ước mơ lớn. Hình như họ có cảm giác bi quan, không bao giờ đạt được lý tưởng cao cả nữa. Họ có thể phóng đi rất nhanh để rồi chả biết làm gì ở cái nơi vừa đến. Đằng sau cái vẻ vội vã của họ hình như ẩn giấu một nỗi thèm thuồng, chỉ sợ không được hưởng hết mọi lạc thú ở đời. Trong sự vội vã ấy họ lại không có khả năng dò vào chiều sâu của cuộc sống. Tuổi trẻ bao giờ cũng bị ảnh hưởng ngang bởi tinh thần thời đại nhiều hơn là ảnh hưởng dọc từ thế hệ cha ông. Mà thời đại ta nói chung là thời đại của cái gì đó vỡ ra dang dở và chưa được sắp xếp lại. Nước ta vẫn đang trên đường phát triển, nói theo thuật ngữ xã họi học là trong quá trình chuyển đổi. Con người bước từ chỗ tối ra chỗ sáng, nên đôi khi cảm giác vẫn còn bị ngợp và chập choạng, lúc thì tự tin quá, lúc lại tự ti quá. Cái này thấy rõ ở tuổi trẻ (...) Tự do cao nhất là tự do về mặt tinh thần, liên quan đến nội lực con người, sự phong phú trong tinh thần của họ, chứ tự do không phải là lăn ra đường để khẳng định cái tôi. Đa số giới trẻ hiện nay, tự do bề ngoài thì có nhưng sâu sắc bên trong thì không. Điều này dẫn đến việc họ không tìm được cách khẳng định mình, mà trút cái gọi là tự do vào những hành động ngông cuồng bề ngoài".
Hẳn là không thể áp dụng cách máy móc những nhận định trên đây của Vương Trí Nhàn cho giới trẻ nhà tu vốn đã được tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng hơn, nhưng phải chăng chúng vẫn có thể giúp hiểu sâu hơn nhu cầu tự lập và tự khẳng định của anh em trẻ, vì dù sao anh em vẫn là những con người của thời đại mình?
Thử nêu lên hai dấu hiệu về mối bận tâm tự khẳng định.
Tôi nhớ lại lời thánh Phaolô khuyên dạy môn đệ Timôthê: "Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch ..." (1Tm 4,12).
Thông thường những người lãnh đạo trong các cộng đoàn Kitô giáo và Do-thái giáo xưa là những người cao tuổi, vì thế họ được gọi là kỳ mục hay trưởng lão (đồng nghĩa với nhau). Ông Timôthê đại diện thánh Phaolô đi thăm viếng Hội Thánh thì có thẩm quyền trên các kỳ mục này, mặc dù ông trẻ hơn họ rất nhiều. Làm sao giữ được uy tín? Không phải chỉ vịn vào lẽ mình là đại diện thánh Tông Đồ, nhưng dựa vào đức độ của mình, vào gương sáng, bằng kiến thức của mình sâu rộng về Kinh Thánh.
Nếu linh mục chúng ta ngày nay muốn khẳng định mình thì cũng hãy làm như vậy.
3. Không ngừng học tập
Trong các phương tiện giúp đời sống linh mục mà sắc lệnh PO đề cập ở các số 18-21, Công đồng nói tới kiến thức về thần học, về Kinh Thánh và mục vụ mà các linh mục (nhất là linh mục trẻ) cần không ngừng cập nhật. Xin trích một đoạn ở số 19:
"[...] Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng những vấn đề do người thời nay nêu lên, các linh mục phải hiểu biết cho thấu đáo những tài liệu của huấn quyền, nhất là của các Công đồng và của các Đức Giáo Hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thần học thời danh nhất và đã được thừa nhận.
"Thực ra trong thời đại chúng ta, văn hóa nhân loại và ngay đến những khoa học thánh cũng tiến thêm một bước mới, nên khuyên các linh mục hãy hoàn bị kiến thức của mình về Thiên Chúa và về nhân loại một cách thích hợp, và như thế, các ngài tự chuẩn bị để đối thoại với những người đương thời một cách thích hợp hơn".
Yêu cầu của Công đồng là một thách đố thực sự trong hoàn cảnh hiện tại.
Tâm trạng chung chúng ta thường gặp khi vừa kết thúc năm thần học thứ IV là cảm thấy nhẹ nhàng vì vừa trút khỏi một gánh nặng của bao năm đèn sách. Tâm trạng khác cũng không hiếm gặp là chúng ta mơ hồ cảm thấy mình đã đạt rồi, hành trang để bước vào đời linh mục "cơ bản" là đầy đủ, còn thiếu gì nữa thì rồi kinh nghiệm thực tế sẽ bổ sung. Chắc chúng ta không nghĩ tới nhu cầu phải tiếp tục học tập để không ngừng hoàn bị kiến thức thần học, kinh thánh của mình theo yêu cầu của Công đồng, vì thế nguy cơ coi nhẹ, rồi bỏ quên nhu cầu tự đào tạo, tự học tập là rất lớn.
Ngoài ra, trong xã hội trước kia, trình độ giáo dân rất thấp, linh mục đương nhiên được coi là trí thức và tha hồ "phô bày" kiến thức của mình mà không sợ bị ai phê phán. Nhưng ngày nay tình hình đã khác rất nhiều. Ngay trong lãnh vực thần học và Kinh Thánh, không thiếu giáo dân được đào tạo khá bài bản, còn giới nữ tu thì khỏi phải nói: nhiều người được gởi đi học chuyên môn ở nước ngoài và có bằng cấp chuyên môn. Ở Sài Gòn, đã có một nữ tu là tiến sĩ giáo luật! Tình hình này càng buộc người linh mục phải không ngừng trau dồi kiến thức đạo đời để phục vụ tốt hơn.
Thời nay với các phương tiện truyền thông và nhất là với internet, chúng ta có thể tiếp cận rất dễ dàng với các nguồn thông tin và tri thức vô tận, đời cũng như đạo. Khốn nỗi là mở internet ra ta lập tức bị ngập chìm trong cái khối thông tin và tri thức vàng thau lẫn lộn, phải nói cả rác rưởi cũng đầy tràn, và thường muốn nắm được vàng phải đào sâu khó nhọc hơn, còn thau và nhất là rác rưởi thì phơi bày ra, rất dễ tìm thấy và thường hấp dẫn hơn. Ai không có một chủ định, một kế hoạch, một kỷ luật bản thân, một ý chí kiên vững thì sẽ rất khó mà không mất thời giờ và thậm chí bị tổn hại nữa.
Thử hỏi: trong một năm, một linh mục đọc được mấy cuốn sách có giá trị? Tôi nghĩ rằng các cuốn sách anh em không thể thiếu khi ra khỏi học viện là: Kinh Thánh, Công đồng Vaticanô II, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Giáo Luật, Học thuyết xã hội của Giáo Hội, và đối với người Anh em Hèn mọn, Tác phẩm (Bút Tích) của Cha thánh Phanxicô, đó là nói rất tối thiểu. Ngoài ra nên có thêm một cuốn Từ điển Thần học và một Điển ngữ Thánh Kinh tốt.
4. Hài hoà mối liên hệ giữa đời sống tu sĩ và đời sống linh mục
Thách đó thứ tư đối với linh mục dòng, là tìm sống hài hoà các đòi hỏi của đời sống thánh hiến tu trì và nhiệm vụ linh mục, nhất là những linh mục trực tiếp làm việc mục vụ.
Trong lý thuyết, ta vẫn coi ơn gọi căn bản của mình là ơn gọi một Anh em Hèn mọn, còn ơn gọi linh mục không thiết yếu cho ơn gọi tu trì đó -tôi không nói là không quan trọng. Nhưng một khi làm linh mục rồi, nhất là nếu được phân công làm mục vụ giáo xứ, một phần do công việc, một phần do bối cảnh xã hội quá đề cao giáo sĩ, chúng ta dễ dàng đảo ngược mối liên hệ này trong thực tế. Muốn biết một anh em bận công tác ngoài cộng đoàn sống mối liên hệ này như thế nào, cứ nhìn vào cách thức và tinh thần cụ thể mà họ tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn địa phương và cộng đoàn Tỉnh dòng, như tĩnh tâm, suy gẫm, giờ kinh Phụng vụ, học tập, tu nghị cộng đoàn, v.v...
Chúng ta biết rõ một vài anh em rất bận với công việc được giao phó nhưng hầu như không mấy khi vắng mặt trong các sinh hoạt đó, họ biết thu xếp công việc sao cho bớt "chênh" với đời sống chung, trừ ra khi không thể được; ngược lại, không ít anh em lúc nào cũng có lý do để đứng ngoài đời sống chung ấy mà dường như họ không tha thiết gắn bó nhiều. Họ thường cảm thấy cộng đoàn cản trở mình, cản trở công việc mình hơn là nhìn nhận sự trợ giúp quí báu và cần thiết của cộng đoàn.
Công đồng Vaticanô II đòi hỏi người linh mục -dù là linh mục địa phận- phải tìm cách thống nhất đời sống mình, phối hợp đời sống nội tâm với những đòi hỏi chính đáng của hoạt động bên ngoài, và nên thánh bằng chính việc thành tâm và kiên nhẫn thi hành chức vụ của mình (x. Sắc lệnh Presbyterorum Ord. 13 và 14). Linh mục nào cũng phải chuyên cần cầu nguyện, sống nghèo khó, tuân phục và khiết tịnh dù không có lời khấn. Dĩ nhiên, những đòi buộc mà Công đồng nêu trên còn gắt gao hơn đối với người linh mục tu sĩ. Chúng ta không nên đối chọi công việc của linh mục trong tư cách là linh mục, đặc biệt là cha xứ, với những đòi hỏi riêng của đời sống thánh hiến, nhưng cũng không thể ngây thơ hay dễ dàng nói rằng tôi chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của người mục tử là đã sống các đòi hỏi của đời tu rồi. Một anh em thật tình tha thiết với sự tiến triển của đời sống nội tâm và đời sống tu trì của mình sẽ không viện lẽ này lẽ nọ để tránh né tham gia sinh hoạt cộng đoàn, nhất là sinh hoạt liên qua trực tiếp tới đời sống thiêng liêng, mà trái lại... Bởi vì thật ra cộng đoàn không thể bó buộc anh em một khi anh em đã nói: tôi bận việc này, việc kia. Bề trên và cộng đoàn tin cậy vào ý thức và sự trưởng thành của mỗi người.
Kết
Chắc còn những thách đố khác nữa có thể nêu lên. Chẳng hạn: Làm sao để sự thường xuyên thi hành nhiệm vụ thánh không biến ta thành máy móc và "khinh suất" (kiểu "gần chùa kêu Bụt bằng anh)? Làm sao tránh khỏi nguy cơ lo thánh hoá kẻ khác mà không thánh hoá mình, khuyên dạy kẻ khác mà mình thì càng ngày càng kém cỏi cả về thiêng liêng lẫn nhân bản? Làm sao để nhiệm vụ làm cha sở không biến chúng ta thành những công chức ("ăn cơm chúa múa tối ngày" hoặc "sáng cắp ô đi tối cắp ô về"), đều đặn, đàng hoàng nhưng trống trải, vô hồn ...?
Nhưng tôi nghĩ bốn thách đố tôi đề cập trên đây đã đủ để cho anh em tiếp tục suy nghĩ. Để kết thúc, xin trích dẫn vài câu nói của thánh Gioan-Maria Vianney, bổn mạng các cha sở:
"Muốn dâng thánh lễ, phải là một xê-ra-phim. Nếu người ta biết được thánh lễ là gì, người ta sẽ lăn ra mà chết thôi. Chúng ta chỉ có thể hiểu cái hạnh phúc được dâng thánh lễ khi ở trên trời mà thôi. Hỡi bạn, nguyên nhân mọi thảm hoạ và của sự sa sút nơi linh mục, là vì người ta không chú ý đến thánh lễ. Vô phúc thay! Vị linh mục thật đáng chê trách khi dâng lễ như làm một việc tầm thường ...Có những vị bắt đầu thật tốt, thật sốt sắng trong vài tháng! Và sau đó ... Ôi, khi mình nghĩ tới Thiên Chúa cao cả của chúng ta đã muốn giao công việc ấy cho những tên khốn khổ như chúng ta! (...) Điều khiến chúng ta, những linh mục không nên thánh được, chính là thiếu suy nghĩ. Chúng ta không chịu hồi tâm lại và chẳng còn biết mình làm cái gì nữa. Điều chúng ta cần, đó là sự suy nghĩ, tâm niệm,sự kết hợp với Thiên Chúa. Khốn thay một linh mục thiếu mất tính nội tâm. Nhưng muốn vậy, phải thanh thản, im lặng, tịnh tâm, bạn ạ! Chính trong cô tịch mà Chúa ngỏ lời ... Đôi khi tôi nói với Dức cha Devie:'Nếu Đức cha muốn hoán cải giáo phận mình, Đức cha phải biến tất cả các cha xứ của Đức cha thành những vị thánh' ..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét