Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

ĐỀ TÀI 11 Sự Chết

ĐỀ TÀI 11
Sự Chết

Bạn đã sẵn sàng đáp lại sự chết chưa?
 
Mọi việc đều có giờ định sẵn… giờ để được sinh ra, và giờ để chết đi.
                                                                GIẢNG VIÊN 3, 1-2
 

          Viên phi công thời danh Pháp quốc, Antoine de St Exupery có một lần đã bị bắt buộc hạ cánh xuống giữa sa mạc Sahara, một nơi cách xa xã hội văn minh cả ngàn dặm.
          Trong lúc lui cui sửa máy mà đôi mắt cứ trông chừng chiệc bình đựng nước uống cứ vơi dần, Antoine thấy như đang đối diện với cái chết, như hai võ sĩ đang nhìn chòng chọc vào mắt nhau.
          Việc St Exupery kề cặn cái chết đó nhắc nhớ đến những lời của John Mc Lelland trong tác phẩm “Tên Hề và Con Sấu” (The Clown and The Crocodile) của ông như sau: “Một hôm có một nhóm người kéo nhau vào nghĩa trang, cử hành nghi thức tống táng một cách ngắn gọn và ra về. Tất cả đều về nhà họ, duy chỉ có một người ở lại, người đó chính lại là anh”.
Robert Herhold nói rằng: “ Tiếc thay, chết là việc mà cuối cùng chúng ta phải làm, bởi vì việc này dậy chúng ta khá nhiều thế nào là đời sống”.
          Những bài suy niệm tiếp theo đây đối phó với sự chết. Ân sủng mà bạn cầu xin trong mỗi bài suy niệm là:
          Lạy Chúa, xin dạy con về sự chết, để sự chết có thể dạy con về đời sống.
          Trong những ngày sắp đến-và những tuần lễ còn lại của chương trình này-bạn hãy tiếp tục việc lượng giá hằng đêm về mỗi ngày qua.
          Các vị linh hướng đều căn dặn thỉnh thoảng bạn nên lượng định việc thao luyện suy niệm hằng ngày. Điều này có nghĩa là ngay sau khi cầu nguyện xong, bạn nên dành vài phút để nhận định xem việc thao luyện của bạn có được thực hiện tốt đẹp không. Nếu tốt bạn nên cảm tạ Chúa. Nếu không, hãy tìm xem tại sao.
          Thí dụ như bạn có:
          *chuẩn bị tâm hồn và thể xác đúng cách không?
          *đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa không?
          *dùng trí tưởng tượng của bạn (để cảm nghiệm bài thao luyện), tâm hồn của bạn (để suy tư về bài suy niệm), con tim của bạn (để diễn đạt cảm nghiệm của bạn với Chúa), và linh hồn của bạn (để lắng nghe tiếng Chúa) không?
          Sau cùng, bạn có để giờ ghi lại bất cứ nhận định nào hay ý kiến hữu ích nào hoặc tư tưởng nào vào nhật ký của bạn không?
 
*
*    *
 
NGÀY 1
Này đây, Ta sẽ đến như kẻ trộm
               KHẢI HUYỀN 16, 15
 
          Một thương gia tại thành Baghdad thời xưa sai người đầy tớ của ông đi chợ để mua sắm đồ dùng. Vài phút sau người đầy tớ trở về, run rẩy quì phục dưới chân ông mà xin rằng:
          Bẩm lạy ngài! Bẩm lạy ngài! Khi tôi bước ra đến chợ, tôi giật mình bắt gặp một người giữa đám đông trong chợ. Khi tôi nhìn lên thì tôi biết ngay người đó là ai rồi. Người đó là Tử thần. Hắn nhìn tôi đầy ý đe dọa. Xin ngài hãy cho tôi mượn con ngựa chạy nhanh nhất của ngài để tôi chạy thoát đến vùng Sahara xa xôi hẻo lánh. Vì như vậy hắn sẽ không bao giờ tìm ra tôi được.
          Người chủ đồng ý, và tên đầy tớ lấy ngựa chạy đi ngay. Trong lúc đó, người thương gia bèn ra chợ để mua sắm những thứ cần dùng còn thiếu. Nhưng kìa, ông ta lại đụng phải Tử thần. “Tại sao sáng nay ngươi lại nhìn tên đầy tớ của ta cách đe dọa như vậy?”. Người thương gia hỏi Tử thần. Nhưng Tử thần đáp: “Do đâu phải là cái nhìn đe dọa, nhưng là ngạc nhiên. Vì tôi không hiểu tại sao tôi lại gặp hắn ở Baghdad, chứ thực ra tôi hẹn gặp hắn đêm nay ở vùng Sahara xa xôi kia”.
 
Bạn có nhìn cái chết như một điểm cuối cùng cuộc đời hay như khởi điểm của một đời mới?
Hãy nói chuyện với Chúa Giê-su về cái nhìn của Ngài đối với cái chết của chính Ngài.
 
*
*    *
 
NGÀY 2
Linh hồn Thày buồn đến chết.
               MÁT-THÊU 26, 38.
 
Ông Al Dewlen có một bài báo về cái chết của Mike, con trai ông, tử trận tại Việt Nam.
Al biết hung tin vào một buổi chiều thứ Sáu. Ông vừa từ sở làm về nhà và đang đứng trước chiếc bàn làm việc trong ga-ra, để quyết định chọn lựa để bắt tay vào một công việc trước khi đi ăn tối.
Bỗng ông nghe có tiếng gọi tên ông. Ông nhìn lên thì thấy vợ ông và vị mục sư của giáo đoàn đang đứng ngay trước cửa ga-ra. Al há hốc ngạc nhiên hỏi: “Có gì vậy?”. Vợ ông trả lời: “Thằng Mike tử trận rồi!”.
Tức thì Al choáng váng không còn biết gì về hiện tại nữa. Tâm trí ông thoáng nghĩ nhanh về những năm tháng đã qua. Trước hết, ông nhìn thấy Mike lúc vừa lên sáu, chơi banh trong đội thiếu nhi. Kế đến, ông nhìn thấy Mike làm thủ quân của đội banh túc cầu của trường trung học. Sau cùng, ông thấy con ông trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Mike là đứa con làm ông hãnh diện thực sự.
Sau đây, Al bảo rằng tin dữ đó đã làm ông kinh động đến độ ông không còn tha thiết gì nói chuyện hoặc ôm vợ con ông vào lòng. Mọi suy tư của ông chỉ xoay quanh Mike, đang nằm bất động, thân thể lạnh ngắt mà thôi.
 
Hãy tưởng tượng xem tin bạn chết đối với gia đình bạn như thế nào
Hình dung cảnh Chúa Giê-su đón rước bạn khi chết.
 
    *
 *    *
 
NGÀY 3
Phận con người là phải chết một lần.
                      DO THÁI 9, 27
                   Trần thế chẳng qua một tấn tuồng,
                   Mọi người nam nữ, diễn viên suông;
                   Bước vào mấy chốc rồi xa cách;
                   Người đóng bảy vai cũng một tuồng.
 
                   Bảy vai là bảy tuổi thiên duyên
                   Trẻ thơ bụ bẫm vòng tay mẹ
                   Rồi đến trò ngoan tay sách mang,
                   Tinh sương ban sáng lười cắp sách,
                   Ngại đến trường xa, ngại bỏ nhà.
 
                   Bỗng thoáng tình yêu chớm nở ra,
                   Rồi lụy vì yêu – lại chữ Yêu!
                   Tha phương nhập ngũ, thề non nước.
                   Sống với công danh rạng giống nòi.
 
                   Kịp đến giờ đây vai thứ sáu
Áo khoác, mày râu, giọng nói vang,
                   Và qua năm tháng lưng còng xuống,
                   Trở lại trẻ thơ – tình trẻ thơ.
 
                   Và đây, giờ cuối đây màn cuối,
                   Chấm dứt một trang sử lạ lùng
                   Trở thành con trẻ răng không có
                   Chẳng biết mùi chi, chẳng có chi.
 
Bạn đang thủ vài nào trong tuồng đời của bạn? vai tuồng nào vừa qua của bạn đã làm sáng tỏ mục tiêu đời bạn?
Hãy nói với Chúa Giê-su về việc này.
 
*
*    *
 
NGÀY 4
“Điều nào mắt không thấy, tai không nghe và tim không
tiếp nhận được, cũng như điều Thiên Chúa đã dành sẵn
cho những ai yêu mến Ngài” là diều Thiên Chúa mạc
khải cho chúng ta qua Thánh Linh của Ngài.
                                   1 CÔ-RIN-TÔ 2: 9-10
Đại tá David Marcus bị tử thương trong cuộc chiến tại Do Thái vào tháng Sáu năm 1948. Trong chiếc ví của ông, người ta tìm thấy một tấm thiếp với những dòng chữ sau đây:
Tôi đứng nhìn ra đại dướng. Chiếc tàu trong bến đang kéo buồm trắng ra khơi trong gió nhẹ buổi mai. Nó là biểu tượng của vẻ đẹp và sự khỏe mạnh. Và tôi đứng đó mà ngắm, cho đến khi nó chỉ còn là một điểm trắng như sợi mây nơi chân trời. Bỗng có ai đó đứng cạnh tôi nói: “Xong rồi ! Nó đã đi khuất!”. Khuất đi đâu? Khuất khỏi tầm mắt tôi – chỉ thế thôi. Con thuyền đó khi rời nơi đây chỉ ngang dọc to lớn có ngần ấy mà có thể tải đi một số hàng hóa để đến nơi đến chốn. Nó nhỏ đi là vì tôi thấy nó nhỏ đi, chứ thực sự nó có biến dạng đâu. Và cùng ngay lúc có tiếng nói bên tôi: “Kìa ! Nó đã thực sự đi rồi !” thì cũng có nhiều tiếng nói khác lại chực vui mừng, “Ô kìa ! Nó đến rồi !” – Và đó chính là sự chết đi.
 
Hai quan niệm về sự sống chết trong câu chuyện và trong đoạn Kinh Thánh giống nhau ở điểm nào?
Hãy nói chuyện với Chúa Giê-su về sự sống sau khi chết và để biết giờ đây bạn đang chuẩn bị việc này như thế nào.
 
*
*    *
 
NGÀY 5
Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.
                                       LU-CA 23, 46
Trong tác phẩm “Vượt Qua Thung Lũng Sông Kwai” (Throught the Valley of Kwai), Emest Gordon mô tả cái chết của một người tù binh chiến tranh trẻ. Đối với những ai xung quanh thì rõ ràng là anh đã tranh đấu mãnh liệt với cái chết. Rồi một trong những tù binh hiện diện đã mở một quyển Thánh Kinh tả tơi và đọc cho anh:
Thiên Chúa là Đấng dắt dìu tôi, tôi không muốn gì hơn…
Dù tôi bước qua thung lũng tối tăm của sự chết,
Tôi không sợ chi sự dữ, vì Người luôn luôn ở bên tôi.
                                              Thánh vịnh 23: 1-4
Và rồi đôi mắt anh đã trở lại bình an. Anh nói một cách bình tĩnh rằng: “Giờ đây, mọi sự sẽ an bài”. Vài giây sau anh trút hơi thở.
Một trường hợp khác, có một người nữ ca viên nổi danh tên là Ethel Waters, trước khi chết đã nói rằng, “Cưng ơi, em đâu có sợ chết… vì em biết rằng Chúa đang tưng tiu con chim sẻ mập mạp này trong bàn tay của Ngài mà”.
Bà Ethel Waters đã yêu nhiều. mà Chúa là Tình Yêu, như Thánh Kinh đã nói, thì không còn gì phải sợ hãi nữa, đặc biệt đối với những ai có quả tim to lớn như thân xác của người ca viên kia.
 
Người ta sợ hãi lúc hấp hối hơn là chết không?
Hãy nói chuyện với Chúa Giê-su về nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn.
 
*
*    *
 
NGÀY 6
Thời giờ đã gần kề.
1 CÔ-RIN-TÔ 7, 29
 
Buddy Holly vượt rất nhanh trên đài danh vọng trong thập niên 50. Người ca sĩ gốc Texas mới 19 tuổi này là người đầu tiên vừa viết, vừa đàn và ca hát nhạc Rock cho mình.
Nhưng sự nghiệp sáng chói của Holly chỉ kéo dài được 36 tháng rồi tắt ngấm, trong khoảng thời gian đó, anh đã viết tất cả 45 bài. Một tai nạn máy bay thảm khốc đã chấm dứt mọi sự. Điều đáng lưu ý là chính lúc phát ngôn viên các đài truyền hình loan báo hung tin này cho mọi nơi thì cũng chính là lúc 6 bản nhạc của anh đã được sắp lên hàng những bản nhạc bán chạy nhất.
Nếu như Buddy Holly có sống lại để nói về đời sống thì chắc chắn anh sẽ nhắc đến lời thánh Phao-lô nhắn gửi các tín hữu Cô-rin-tô: “Tôi bảo thật cho anh em, thời giờ đã gần kề”.
Tại sao chúng ta khó chấp nhận cái chết vậy, nhất là đối với những bạn trẻ? Anh Ernie Pyle, người phóng viên chiến trường bất hủ (trong thế chiến II), có nêu lên một quan điểm quan trọng trong một bài của anh. Anh mô tả có một căn phòng chứa toàn là những phi công oanh tạc, vừa mới được thuyên chuyển  để hành quân trong một công tác mà trung bình chỉ có 25% còn sống sót trở về thôi. Điều mà anh Pyle cảm nhận nhiều nhất nơi căn phòng ấy không phải là sự sợ hãi, nhưng là sự nuối tiếc sâu đậm về tương lai.
 
Nếu bạn chết đêm nay, điều gì trong tương lai mà bạn nuối tiếc nhất?
Hãy nói chuyện với Chúa tại sao bạn từng tin điều này trên tất cả những điều khác.
 
*
*    *
 
NGÀY 7
Thiên Chúa nói với hắn: “Đồ ngu, liệu đêm nay
 có người đến đòi mạng của ngươi thì sao?
                                       LU-CA 12, 20
 
Có ba con quỉ học sinh đang chuẩn bị hành trang để được đưa xuống trần gian trong một chuyến công tác lấy kinh nghiệm.
Khi đã chuẩn bị xong, cả ba đến để trình diện thày của chúng để nhận lệnh vào phút chót. Tên quỉ thày giáo bèn hỏi chúng dùng chiến lược nào để xúi dục con người phạm tội.
Tên thứ nhất đáp ngay: “Tôi nghĩ tôi sẽ dùng phương pháp thử-rồi-biết”.Tôi sẽ bảo họ: Không có Chúa đâu, cứ phạm tội nhiều vào và cứ tận hưởng cuộc đời”. Tên thày giáo gật gù chấp nhận. Rồi hắn quay sang tên quỉ học trò thứ hai và hỏi: “Còn người thì sao?”.
Tên thứ hai cũng liền đáp “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ dùng một phương pháp mới hơn. Tôi sẽ bảo con người rằng: Không có hỏa ngục đâu, hãy phạm tội ào ào đi mà vui hưởng cuộc sống”. Một lần nữa, teent hày lại gật gù thích chí. Sau cùng hắn quay sang tên thứ ba và hỏi “Còn mi thế nào?”.
Tên quỉ học trò thứ ba nói “Tôi sẽ dùng một phương thức chắc như đất. Tôi chỉ giản dị bảo họ rằng: Không việc gì phải vội vã, hãy phạm tội và vui với đời”.
 
Cách nào dễ cám dỗ bạn nhất?
Hãy cho Chúa Giê-su biết tại sao bạn lại dễ bị sa ngã
 bởi cách đó nhất
 
 
*
*    *
 
Phụ bản hướng dẫn suy niệm đề tài 11
                        Bài đọc: Lu-ca 12: 13-20
Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thày, xin Thày bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện chia gia tài cho các anh?”. Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả thì mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”.
Sau đó, Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!. Rồi ông ta tự bảo: Mình sẽ làm thế này-phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng-Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư sài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng sống ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”.
(Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhóm Phiên Dịch CGKPV, NXB Tp HCM).
 
Hướng dẫn ý tưởng suy niệm
 Ngày Một:   Chủ đích của câu chuyện Baghda là gì? Bạn sợ
                       hãi cái chết như thế nào?
 Ngày Hai:   Ai trong gia đình bạn sẽ đau khổ nhất, nếu bạn
                     chết đêm nay? Tại sao lại là người đó?
 Ngày Ba:    Theo bạn tại sao Chúa lại để cho thân xác con
                     người hư nát và trở nên xấu xa lúc về già?
 Ngày Bốn:   Bài “thơ về sự chết” của ông Marcus nói về gì?
                     Nếu cho rằng chết là “khởi điểm” của một đời
                      sống hạnh phúc với Chúa, thì tại sao bạn có trì
                      hoãn càng lâu càng tốt?
 Ngày Năm:   Bạn chọn cái chết đột ngột – như trong một
                       tai nạn xe cộ hay bị rớt máy bay – hay là
                       cái chết đàng sau một cơn bạo bệnh ngắn ngủi?
 Ngày Sáu:    Nếu chết đêm nay, điều gì làm bạn nuối tiếc nhất?
 Ngày Bẩy:    Phương pháp của con quỉ nào cám dỗ bạn nhất?
                       Phương pháp nào ít nhất?

*Nguồn: http://vagsc.com/gdbn/Suyniemhangngay/SuyniemtheoI-nha/de_tai_11.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét