ĐỀ TÀI 21
Chịu Phép Rửa và Chịu Cám Dỗ
Tại Sao Đức Giê-su Lại Phải Chịu Phép Rửa? và Bị Cám Dỗ?
Rất đông dân chúng kéo đến để được Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa.
LU-CA 3; 7Không xa Biển Chết bao nhiêu, có một chỗ nước cạn trên sông Gio-Đan. Từ xưa chỗ này đã được dùng cho các đoàn người du mục từ khắp nơi trong vùng Cận Đông vượt qua. Mỗi buổi chiều, người ta có thể thấy những người Ả Rập cuốn khăn trắng, người Ba-bi-lon với những vòng đeo trên mũi, và người Ê-thi-ô-pi với da đen ngà bóng loáng. Đây là một nơi mọi người ưa thích tụ họp để trao đổi tin tức thế giới.
Tuy nhiên một ngày kia, có một sự thu hút mới khiến cho bao nhiêu người kéo đến chỗ sông cạn này. Nhiều tuần trước đó họ đã nghe tin đồn về một người kỳ lạ giảng đạo ở đây. Ông này ăn mặc theo kiểu các nhà tiên tri thời xưa, mang áo dệt bằng lông lạc đà, thắt dây lưng da. Tên ông ta là Gio-an và điệp văn của ông rất giản dị : “Hãy xa lánh tội lỗi và hãy chịu phép rửa” (Lu-ca 3:3).
Câu Gio-an nói: “Từ bỏ tội lỗi” được dịch từ danh từ Do Thái có nghĩa là “đi ngược trở lại trên con đường sai trái để khởi sự trên con đường ngay chính”. Nói cách khác, người ta phải công nhận đường lối sai lầm của mình và sửa sai.
Một ngày kia, Gio-an ngạc nhiên vì một điều ông không hề mong đợi. Trông kìa người đang lội nước đến với ông chính là Giê-su. Ông phải làm gì bây giờ? Gio-an cố gắng làm cho Chúa Giê-su đổi ý bằng cách nói rằng. “Tôi cần được Ngài ban phép rửa, vậy mà Ngài lại đến với tôi?” Chúa Giê-su chỉ phán, “hãy để cho việc ấy xảy ra (Mát-thêu 3: 14-15). Do đó Chúa Giê-su chịu phép rửa như tất cả mọi người.
Các bài suy niệm tuần này chú trọng đến phép rửa Chúa Giê-su và những sự cám dỗ của Ngài nơi sa mạc đã xảy ra ngay sau đó. Ơn lành bạn muốn xin cũng giống như tuần rồi.
Lạy Chúa,“Xin cho con biết Ngài rõ hơn.
Yêu Ngài thiết tha hơn.
Và theo Ngài gần gũi hơn mỗi ngày”.
*
* *
NGÀY 1
Trong khi Chúa Giê-su cầu nguyện, tầng trời mở ra và Thánh Thần hiện xuống trên Ngài dưới hình dạng bồ câu. Và có tiếng từ trời phán ra. “Đây là Con Ta yêu dấu đã làm đẹp lòng Ta mọi đàng.”LU-CA 3: 21-22
Những người cổ xưa coi vũ trụ như ba thế giới chồng chất lên nhau. Tầng trên cùng là nơi Chúa ngự; tầng giữa là nơi nhân loại sinh sống; và tầng cuối cùng là nơi kẻ chết phải đi tới.
Sau khi A-đam và E-và phạm tội, thế giới ở giữa càng tội lỗi hơn. Nhưng người thánh thiện cầu nguyện để Thiên Chúa từ tầng trên xuống để quét sạch những ô uế của thế giới này: “Lạy Chúa, xin hãy xé vòm trời ra và xuống đây” (Thánh Vịnh 144: 5).
Chúng ta phải dựa trên bối cảnh này để giải thích việc Chúa Giê-su chiụ phép rửa. Trước hết, tầng trời mở ra theo điều chúng ta vừa đề cập đến, thì ý nghĩa của biến cố này rất rõ ràng. Điều người ta xin Chúa đang xảy ra; Thiên Chúa đang xé mở màn trời. Thiên Chúa đang ngự xuống từ trời cao để tẩy sạch thế giới của họ. Nói cách khác, việc Chúa Giê-su chịu phép rửa đánh dấu cho một triều đại mới trong lịch sử nhân loại.
Hãy tưởng tượng như bạn đang có mặt lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa. Hãy dùng cả năm ngũ quan để có kinh nghiệm về điều này.
Nói với Chúa Giê-su về ý nghĩa thực tế, phép rửa của Chúa Giê-su đã mang lại cho bạn.*
* *
NGÀY 2
Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Giê-su dưới hình thức chim bồ câu.LU-CA 3: 22
Sau khi tầng trời mở ra bên trên vùng nước sông Gio-Đan, Chúa Thánh Thần hiện ra như chim bồ câu và bay là là bên trên Đức Giê-su.
Biến cố này gợi lại lúc khởi đầu việc sáng thế, khi Thần Khí của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước như chim bồ câu. Thánh Kinh viết, “Lúc khởi đầu…Quyền lực của Thiên Chúa di chuyển trên mặt nước. Rồi Thiên Chúa phán, “hãy có ánh sáng-và đã xảy ra như vậy” (Sáng thế 1: 1-3).
Các thầy cả Do Thái trước đó đã ví quyền lực của Thiên Chúa “di chuyển trên mặt nước” như chim bồ câu. Lu-ca cũng chọn hình ảnh này để dạy rằng phép rửa của Chúa Giê-su khởi đầu cho một cuộc “tạo dựng” mới. Thiên Chúa sắp hoàn tất lời đã phán hứa với I-si-a: “Ta sắp tạo dựng một trái đất mới; những gì của quá khứ sẽ không được nhớ đến hay gợi đến. Thay vào đó, mọi vật phải luôn luôn vui mừng và sung sướng vì những gì Ta tạo dựng nên” (I-sai-a 65: 17-18). Và do đó, “triều đại mới” bắt đầu từ phép rửa của Chúa Giê-su là “một sự tạo dựng mới” cho thế giới chúng ta. Chúa Giê-su là Đấng khởi sự việc tái tạo thế giới chúng ta, một thế giới đã bị tội lỗi huỷ diệt. Ngài là Đấng đã khởi sự Vương Quốc Thiên Chúa trên trái đất.
Bạn đang đóng vai trò gì trong việc tái tạo thế giới?
Nói với Chúa Thánh Thần về vai trò bạn bắt đầu đóng.
*
* *
NGÀY 3
Đây là Con Ta yêu dấu
MÁT-THÊU 3: 17
Sau khi tầng trời mở ra trên đầu Đức Giê-su, và sau khi Thánh Thần ngự trên Ngài, có tiếng từ trời phán, “Đây là Con Ta yêu dấu”.
Tiếng nói minh định Giê-su là Con Thiên Chúa, và bày tỏ rằng Giê-su là “A-đam mới”, trưởng tử của một sự “Tạo dựng mới”. Khi bình luận về “A-đam mới”, thánh Phaolô viết như sau:
Người nam đầu tiên(A-đam) từ đất mà ra, là người trần thế. Người nam thứ hai (Giê-su) từ trời xuống…Cũng như chúng ta đã mặc lấy hình ảnh của người trần thế (A-đam cũ), chúng ta cũng được mang hình ảnh của người Thiên Giới (A-đam mới )(I Cr 15: 47-48).
Những lời của thánh Phao-lô nhắc chúng ta rằng chúng ta là người dân của hai thế giới. Chúng ta giống cả A-đam cũ lẫn A-đam mới.
Bên trong con người chúng ta có những thành phần của cả hai A-đam. Chúng ta phải có kinh nghiệm của sự lôi cuốn xác thịt của A-đam thứ nhất, và sự lôi kéo của Thần Khí của A-đam thứ hai. Điều này giải thích tại sao, đôi khi, chúng ta chịu một sự xung đột về thiêng liêng: một sự lôi kéo của sự lành và sự dữ.
Bạn đối phó với sự xung đột thiêng thế nào khi nó xảy ra?Nói với Chúa Giê-su về cách Ngài đối phó với các sự xung đột trong đời Ngài.
*
* *
NGÀY 4
Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ.MÁT-THÊU 4:1
Đức Giê-su ăn chay ròng rã 40 đêm ngày…và sau đó Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì chuyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
Sau đó, quỷ đem Người đến Thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi! Và có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Đức Giê-su đáp :”Nhưng cũng có lời chép rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa của ngươi”.
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước trên thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình và bái lạy tôi”. Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi”. Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi.(Mát-thêu 4: 2-11).
Thử hình dung ra bạn đang hiện diện trong sa mạc với Chúa Giê-su. Tưởng tượng thấy quỷ có một cái bóng đổ dài trên cát. Ngừng lại sau mỗi lần cám dỗ và hỏi Chúa xem điều này được áp dụng trong đời bạn ra sao?
*
* *
NGÀY 5
Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến cho những viên đá này hoá thành bánh.MÁT-THÊU 4: 3
Những cám dỗ của Đức Giê-su cho thấy Ngài cũng cảm thấy sự xung đột bên trong giữa vật chất và tinh thần y như chúng ta. Ngài cũng cảm nhận được sự xung đột giữa sự dữ và sự lành y như chúng ta. Nói cách khác những cám dỗ của Ngài cho thấy Ngài thật sự là con người, y như chúng ta.
Những cám dỗ của Đức Giê-su còn cho thấy một điều khác. Chúng ta thấy Đức Giê-su đối phó với quỷ khác hẳn chúng ta. Ngài không ngần ngại hay bị lung lay. Không ai đã tỏ ra cứng rắn được như vậy trước cơn cám dỗ. Nói cách khác, cách Đức Giê-su đối phó với cám dỗ cho thấy Ngài không chỉ là một con người tầm thường. Có một cái gì đặc biệt nơi Ngài.
Quỷ đã cho chúng ta thấy một ý niệm về “sự đặc biệt này” khi nó nói với Đức Giê-su, “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Đức Giê-su không chỉ là một con người thường. Ngài là Con Thiên Chúa trở thành người. Nhiều năm sau, thánh Phaolô mô tả Đức Giê-su như sau: :Ngài là hình thể Thiên Chúa…đến với dạng giống con người và có hình dạng giống con người”.(Phi-líp-phê 2: 6-7).
Do đó những cám dỗ của Đức Giê-su cho ta thấy căn tính của Ngài. Ngài không chỉ là một con người. Ngài là Con Thiên Chúa, mặc lấy thịt và máu người phàm.
Đâu là nguồn gốc đa số các cám dỗ của bạn? Nói với Chúa Giê-su về cách Ngài đối phó với các cám dỗ của Ngài*
* *
NGÀY 6
Đã có lời chép rằng, “Con người đầu tiên, A-đam trở nên con người sống, còn A-đam thứ hai là một Thần Khí ban sự sống.”I CÔ-RIN-TÔ 15: 45
Những cám dỗ của Đức Giê-su không những chỉ hướng về cá tính của Ngài mà cũng còn hướng về sứ mạng của Ngài trên trần thế.
Nên nhớ là sau cuộc sáng tạo đầu tiên, quỷ cám dỗ A-đam đến với tội lỗi. Tội lỗi này đem đến cái chết tinh thần cho tất cả dòng dõi của A-đam. Thánh Phao-lô viết lá thư này cho người Rô-ma, “Qua một người tội lỗi đến thế gian, và qua tội lỗi là sự chết”.(Rô-ma 5: 12).
Bây giờ quỷ lại tái diễn thể thức. Nó cám dỗ Đức Giê-su, con người đầu tiên của “tạo dựng” mới, cũng để làm cho Ngài phạm tội. Nhưng Đức Giê-su đứng vững và chiến thắng.
Chiến thắng của Đức Giê-su chỉ về sứ mạng Chúa Cha trao phó. Thánh Phao-lô mô tả như sau: “Cũng như vì một người duy nhất sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống”(Rô-ma 5: 18).
Nói cách khác, Sứ mạng của Đức Giê-su trên trần thế là để phục hồi cho nhân loại sự sống đã bị mất đi qua tội lỗi của A-đam. Ở một chỗ khác, thánh Phao-lô mô tả sứ mạng của Chúa Giê-su như sau: “cũng như tất cả chết trong A-đam, thì trong Đức Kitô tất cả đựơc đem trở về với sự sống”(Cô-rin-tô 15: 22).
Bạn làm gì để nuôi dưỡng và tăng cường mối dây kết hợp bạn với Chúa Ki-tô?
Hãy nói với Chúa Giê-su về những gì khác bạn có thể làm.*
* *
NGÀY 7
Con người không đến để được phục vu mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.MÁC-CÔ 10: 15
Những cám dỗ của Đức Giê-su cho thấy trước đường lối sống Ngài sẽ sẽ noi theo trong khi thi hành sứ mạng.
Trước hết Đức Giê-su từ chối biến đá thành bánh cho thấy Ngài sẽ không dùng quyền năng cao cả để thoả mãn nhu cầu cá nhân. Thay vào đó Ngài sẽ đổ mồ hôi, chịu đói và khổ sở để thi hành sứ mạng trên trần thế.
Thứ hai, Đức Giê-su từ chối không nhảy từ trên nóc Đền Thánh để cho thiên thần bảo vệ Ngài, cho thấy Ngài đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ. Sau này, Ngài nói với các môn đệ, “Ai trong anh em muốn được trên hết phải làm nô lệ cho tất cả. Vì Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ”(Mác-cô 10, 45).
Cuối cùng Đức Giê-su từ chối quỳ gối trước quỷ-ngay cả trước sự mời mọc là được cả thế gian-cho thấy Ngài sẽ không mặc cả hay giao dịch với quỷ dữ. Cám dỗ này ám chỉ một cách trung thực là vào lúc đó, thế giới đang trực thuộc vào quỷ dữ và nó có thể cho ai tuỳ ý. Sự từ chối của Đức Giê-su cho thấy Thiên Chúa tốt lành, điều phải là phải, điều trái là trái. Đức Giê-su sẽ chịu khổ và chịu chết trong bàn tay quỷ dữ chứ không chịu cho nó mua chuộc.
Có thể bạn đã để cho quỷ dữ mua chuộc ra sao trong cuộc đời bạn?Hãy nói với Chúa Giê-su về những biện pháp và bạn đã dùng để thay đổi tình thế.
*Nguồn: http://www.giaophanbacninh.org/?p=6278
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét