Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Những nền tảng Thần học của diakonia (phần cuối)



Đức Tổng Giám Mục Jeremias
Wroclaw và Szcecin, Ba lan

Diakonia trong đời sống xã hội

Trong Tin Mừng theo thánh Luca có những lời này: "Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân” (Lc 22,25). Đa số các nhà chú giải đều bỏ qua những lời này. Có thể những lời này của Đức Giêsu không áp dụng cho các vua chúa và thái độ thống trị của họ trên các nước, cũng không nói tới các vị ân nhân và thái độ của họ đối với người thụ hưởng. Trước hết, không có lý do gì để tin rằng các vua chúa và ân nhân không phải là người Kitô hữu. Nhưng ngay cả nếu họ trở thành Kitô hữu, thì họ sẽ ra sao? Những câu hỏi này không nên bỏ qua, bởi vì có hai dịp đề cập trong thư Rm 13,4 đã nói đến “archonts”, những nhà lãnh đạo như là người tôi tớ của Thiên Chúa – các phó tế. Kitô hữu cần phải vâng phục các nhà lãnh đạo trong những gì họ kêu gọi (1Pr 2,13-14). Các nhà lãnh đạo ở đây là những người luôn muốn làm điều thiện. Hơn nữa thư 1Tm 2,1-2 cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho “các vua và các nhà lãnh đạo”.


Vấn đề về thái độ của người Kitô hữu trước các nhà lãnh đạo làm cho tín hữu mọi thời đều bận tâm. Trong thế kỷ III, một trong những câu trả lời là: khi vị hoàng đế trở thành một Kitô hữu, ông sẽ thôi không làm hoàng đế nữa. Từ thế kỷ IV đã có những tai tiếng rằng các nhà chức trách và các cơ quan dân sự đánh mất ý nghĩa của mình khi trở thành Kitô hữu. Những cái nhìn như vậy thật là sai lạc, trong khi niềm xác tín vẫn còn vững vàng cho đến hôm nay là các Kitô hữu đều có một vai trò phục vụ chuyên biệt cho xã hội. Sự phục vụ này đổi thay theo thời đại. Đối với các tín hữu Chính Thống, điều quan trọng là biết phê bình các nhà cầm quyền, như thánh Ambrosio thành Milan đã dám làm vào thế kỷ IV, thánh Philip, Tổng Giám mục Mát-xcơ-va đã làm vào thế kỷ XVI. Tuy nhiên, việc phục vụ dân sự cũng được các Kitô hữu thực hiện nhằm xóa bỏ sự chia rẽ và chấm dứt chiến tranh.

Trong thời đại mới, các vấn đề chính trị cũ không còn đáng lưu ý vì có nhiều vấn nạn khác, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội và kinh tế. Các biến cố mới đây, như chiến tranh tại Balkan, đã đưa chúng ta trở về những vấn nạn trước đây và những mục tiêu quyết định cho đời sống các quốc gia và tiểu bang.
Trước hết, bản chất sự tham dự của người Kitô hữu vào đời sống xã hội cần phải được làm rõ. Trong suốt 2 thế kỷ vừa qua, khởi đi từ cuộc cách mạng Pháp, các Kitô hữu đã tham dự vào sự phát triển chính trị cách thụ động, có thể nói là tụt hậu nữa, chỉ đáp ứng cho những vấn đề đã xẩy ra rồi.

Không phải bắt Giáo hội và các Kitô hữu phải giữ vai trò này, nhưng nó ảnh hưởng một phần từ tiến trình diễn ra trong chính Giáo hội, trước hết là trong những suy tư thần học về kinh nghiệm lịch sử. Thái độ thụ động của quá khứ đã được thay thế bằng một sự năng động hơn giữa các Kitô hữu và Giáo hội. Các Kitô hữu ý thức trách nhiệm về đời sống xã hội và tham dự cách tích cực trong việc xây dựng. Sự ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo trên đời sống xã hội không chỉ mang tính tích cực, vào thời Trung cổ và Phục hưng, các Kitô hữu đã trách nhiệm về những sự tàn bạo như vấn đề Tòa tra, diệt trừ các dân tộc vùng châu Mỹ, các cuộc chiến tranh đẫm máu.

Vào thời đại Ánh sáng, ảnh hưởng của các Kitô hữu trên đời sống xã hội bắt đầu yếu dần. Cơ cấu chính sách của các tương quan Giáo hội – xã hội trong các quốc gia Tin Lành và tại Pháp có vẻ ảnh hưởng hơn, bao quát tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội, cách riêng qua việc vẫn giữ được cho sinh hoạt của Giáo hội, trong khi hợp tác với cơ cấu dân sự.

Hiệu quả của nhiệm vụ này trở nên rộng lớn hơn vào đầu thế kỷ XX, và được đa số các Giáo hội châu Âu đảm nhận trong suốt Thế chiến I. Một số người vẫn còn giữ chức vụ lãnh đạo trong quốc gia tới ngày hôm nay.
Sự thụ động và giới hạn của người Kitô hữu và Giáo hội thể hiện nhiều khi đề cập tới truyền thông xã hội.

Trong những giai đoạn xấu nhất của lịch sử Giáo hội, các Kitô hữu đã bị lôi kéo bởi nhiều nhóm khác nhau, dẫn đến vấn đề vu khống người láng giềng, thiếu những thông tin đáng tin cậy về tình trạng thực sự đang diễn ra ở Serbia, UKraina, Belarus và Nga. Chính mối quan tâm về kinh tế và chính trị sẽ xác định thông tin được trình bày trên các phương tiện truyền thông. Sự tự do của truyền thông nghe nhìn làm nảy sinh một giáo thuyết, ngăn cản một sự phán đoán xem liệu tự do ấy có tồn tại hay không. 

Người Kitô hữu nên tự đặt cho mình câu hỏi chính đáng này: Đâu là những mong đợi và mục tiêu của cuộc đời con người khi mà quan điểm của họ do truyền thông xã hội tạo nên? Và cũng nên hỏi một câu khác: Đâu là mức độ của sứ mệnh phục vụ tạo nên do nhu cầu phát sinh từ quan điểm này?

Sẵn sàng đối thoại là điều thiết yếu cho ngày hôm nay hơn bao giờ hết. Co cụm vào trong cộng đoàn Giáo hội của riêng mình hay đạo đức cá nhân thì không thể chấp nhận được khi nhìn đến các thực tế đang thách đố tất cả chúng ta. Cách hành xử như thế cũng không được quan điểm thần học chấp nhận. Sứ mệnh cứu độ mà Đức Kitô trao cho chúng ta  đòi hỏi một sự canh tân mỗi cá nhân, và kiến tạo cộng đoàn gồm những con người được cứu độ và trung thành với Đức Kitô, nhất là với nhu cầu của Giáo hội. Cộng đoàn tín hữu, Giáo hội, Thân mình Đức Kitô có vị trí riêng trong thế giới này. Sự phục vụ của Giáo hội trong thế giới này phải là: cứu lấy thế giới, cứu lấy mọi loài thụ tạo của Thiên Chúa.

Thanh Huyền, FMA chuyển ngữ
http://www.caritasvietnam.org/Default.aspx?tabid=87&ctl=ViewNewsDetail&mid=372&NewsPK=4073

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét