Đức Tổng Giám Mục Jeremias
Wroclaw và Szcecin, Ba lan
Wroclaw và Szcecin, Ba lan
Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giê-su bảo các ông: "Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ." (Lc 22,24-27).
Sự phục vụ của Đức Kitô
“Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ”. Có nhiều cách giải thích những lời này của Đức Giêsu. Một số nhà chú giải hiểu theo nghĩa từ ngữ thì xem đây là việc phục vụ tại bàn ăn và rửa chân (Ga 13,4-10). Một số khác thì hiểu trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly, nghĩa là “một lời mời gọi phục vụ trong cộng đoàn dành cho những người có trách nhiệm cử hành Hy tế Thánh Thể”.
Đức Kitô dạy cho các mục tử trong Hội Thánh “không được lạm dụng quyền bính như người trần thế để thống trị, và cũng không tập trung vào danh vọng, vị thế”. Ngài nhấn mạnh rằng “người lớn nhất” giữa các môn đệ của Đức Kitô sẽ là người nhỏ nhất. “Người làm đầu sẽ là người phục vụ”.
Có lẽ cách hiểu của các nhà chú giải hiện nay cũng mang ý nghĩa rõ ràng. Đồng thời, Tin Mừng thánh Luca cũng nhấn mạnh đến việc phục vụ duy nhất của chính Đức Kitô, là sự phục vụ của chính Thiên Chúa dành cho con người và mọi loài thụ tạo, được Đức Kitô thực hiện trong đời sống trần thế với sự khiêm hạ, tự hủy và mang triều thiên bằng cái chết trên Thập giá.
Ý nghĩa việc phục vụ của Đức Kitô được đặc biệt nhấn mạnh trong lá thư của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Philipphê (Pl 2,6-8): “Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng Ngài đã tự hạ trở nên người tôi tớ, “mặc lấy xác phàm nhân, sống như người trần thế”, “vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá”.
Lá thư gởi tín hữu Roma nói đến Đức Kitô chết cho chúng ta “ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi” (Rm 5,8), và trong chiều kích mầu nhiệm Ba Ngôi, thánh Phaolô cho biết: “nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5,10).
Như vậy, việc phục vụ, “diakonia” của Đức Giêsu Kitô không chỉ hướng đến người yếu đuối, bệnh tật và nghèo đói. Trong đời sống tại thế, Đức Giêsu Kitô cho chúng ta thấy rằng: Ngài cảm nếm được tình yêu của những người thân cận mà Ngài đang rao giảng (Mt 5,44), không phải theo nghĩa bóng nhưng theo nghĩa từ ngữ và cụ thể. Những người Do Thái đã phê bình về Ngài rất đúng – Ngài là “bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19).
“Diakonia”, việc phục vụ của Đức Kitô ôm ấp mọi người, ngay cả người tội lỗi, thu thuế, hư hỏng và các cô gái điếm. Trong Mt 21,23-31, Đức Kitô đã trách mắng các tư tế và kỳ mục: “Người thu thuế và các cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.
Việc phục vụ của Đấng Cứu Thế vượt qua biên giới đất nước Israel. Theo Tin Mừng thánh Gioan, những người Hy Lạp đã đến với Đức Giêsu ngay khi ngài còn sống trên trần thế (Ga 12,20-22). Dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37) và cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari (Ga 4,1-12) đã cho thấy quan điểm thần học rõ ràng. Thuộc về dân tộc Israel được Thiên Chúa tuyển chọn, tất yếu sẽ có tương quan với người khác, với người ngoại kiều và ngay cả kẻ thù. Theo thánh Mathêu, Đức Kitô phục sinh đã sai các môn đệ đến với muôn dân (Mt 28,19). Thật ra, cách hiểu về sự phục vụ của Đức Kitô đã có ngay từ Cựu ước. Trong một số đoạn Kinh Thánh, Israel được nhắc nhở rằng “họ đã từng là nô lệ bên Ai Cập”, và vì thế “không được loại trừ ngoại kiều và cô nhi”. Những gì sót lại sau mùa gặt phải để lại cho người ngoại kiều, cô nhi và quả phụ (Đnl 24,17-22; Đnl 14,29; 16,11-14).
Thanh Huyền, FMA chuyển ngữ
http://www.caritasvietnam.org/Default.aspx?tabid=87&ctl=ViewNewsDetail&mid=372&NewsPK=3913
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét