Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đề tài 16: Truyền tin

ĐỀ TÀI 16
Truyền Tin
 Ai Là Mẹ Chúa Giê-su ?
Bà sẽ thụ thai và cưu mang một con trẻ và sẽ đặt tên là Giê-su.
                                                  LU-CA  1, 31

          Câu chuyện của Mark Twain “Thảm Họa Ghê Gớm”   đề cập đến một nhóm người bị mắc kẹt trong một tình trạng khủng khiếp. Họ sẽ phải chết. Không có lối thoát nào.
          Mark Twain không muốn câu chuyện kết không có hậu, nhưng không biết làm sao để cứu những người này. Do đó ông đã kết câu chuyện bằng hai câu sau : “Tôi đưa hai nhân vật này vào một hoàn cảnh họ không có lối thoát. Nếu có ai cho rằng họ có thể thoát thân xin cứ việc thử”.
          Nhân loại bị mắc kẹt y như vậy mấy ngàn năm trước đây. Tội lỗi thâm nhập thế giới này và lan tràn không kiểm soát nổi, như lửa rừng. Nhân loại sẽ chết. Không có cách nào tự cứu lấy thân.
          Thiên Chúa thấy hoàn cảnh bi đát và không muốn để cho kết cuộc như vậy. Ngài yêu thương nhân loại quá đỗi. Do đó Ngài nghĩ ra cách cứu họ. Thiên Chúa quyết định gửi Con Một xuống thế gian để trở nên một thành phần của nhân loại.
          Bước đầu của Chúa là phải tìm một người đàn bà sẽ cưu mang Con Ngài. Ngài tìm được một trinh nữ sẽ lấy một người nam tên Giu-se, thuộc dòng họ Đa-vít , và tên trinh nữ là Maria” (Lu-ca 1, 27).
Các bài tập tuần này chú trọng đến Mẹ Maria, người đàn bà sẽ sinh ra Chúa Giê-su. Ơn bạn muốn xin trong các cuộc suy niệm này là:
          Lạy Chúa xin ban cho con trí hiểu biết và tình yêu của Người Mẹ Ngài đã chọn để cưu mang Chúa Giê-su.
          Chấm dứt cuộc suy niệm với kinh mà các thủy thủ của Colombo cầu nguyện mỗi đêm trong chuyến hải hành sang Tân Thế Giới. Mỗi tối vào lúc mặt trời lặn, họ tập hợp trên boong tầu để hát:
          Kính chào Nữ Vương Rất Thánh, Mẹ của lòng thương xót, sự sống, nguồn vui, và niềm hy vọng của chúng con.
          Chúng con, con cái E-và ở chốn khách đầy, kêu lên Mẹ, khóc lóc trong thung lũng đầy nước mắt này.
          Xin đoái thương đến chúng con, Đức Trinh Nữ Vương, Đấng bảo trợ đầy yêu thương, và sau chuyến khách đầy này, xin cho chúng con thấy nhan thánh của Chúa Giê-su Con Mẹ.



*
*    *
NGÀY 1
Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Xin làm cho tôi như lời ngài truyền.
                                                                     LU-CA  1, 38
          Trong trí tưởng tượng của bạn, hãy hình dung ra thế giới trước khi Chúa Giê-su ra đời: Nhân loại càng ngày càng lâm vào đàng tội lỗi, và thần dữ càng phát động lan tràn không kiềm chế nổi, như một ung thư. Thiên Chúa sai thiên thần Gáp-ri-en đến với thế giới.
Đến với Maria, ngài phán: “Kính chào bà đầy ơn phúc! Đức Chúa Trời ở cùng bà”. Nhưng bà hết sức bối rối về điều nghe thấy và suy nghĩ không biết lời chào này có ý nghĩa gì.
          Rồi thiên thần nói với bà, “Maria, đừng sợ…Bà sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giê-su. Ngài sẽ rất cao trọng và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng của vua Đa-vít, và triều đại của Ngài sẽ vô tận vô cùng”.
          Nhưng Maria trả lời thiên thần, “Điều này sao có thể xẩy ra vì tôi không biết đến người nam?”. Và thiên thần trả lời bà, “Thánh Thần sẽ đến trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà. Do đó đứa trẻ được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
          Maria thưa: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Xin làm cho tôi như lời thiên thần truyền”. Rồi thiên thần bỏ đi. (Luca 1, 28-35, 38).
         
          Đọc lại đoạn này chậm chậm. Ngưng ở cuối mỗi đoạn để nói với Đức Mẹ về những gì Mẹ đã suy nghĩ trong lòng vào lúc đó.

*
*    *

NGÀY 2
Ngài đã đoái thương đến phận hèn tôi tớ,
 và từ đây muôn thế hệ sẽ gọi tôi là có phước.
                                                  LU-CA 1, 48

          Một sinh viên đại học đang nói chuyện với một linh mục. Câu chuyện đưa tới Maria, Mẹ Chúa Giê-su. Bỗng nhiên sinh viên nói, “Để con đọc cho cha nghe một bài thơ con viết về Mẹ Maria”. Anh ta mở một cuốn sổ tay và bài thơ như sau:
                   Hôm nay tôi thấy một bông hoa súng nở ngoài ao.
                   Hoa mang màu vàng tươi tôi chưa từng thấy.
                   Hoa súng-một báu vật.
                   Không cần lo nghĩ xem có ai
                   Để ý đến vẻ đẹp phi thường của nó.
                   Trong khi tôi ngồi đó,
                   Nhìn hoa nở từng cánh không một tiếng động.
                   Tôi nghĩ đến Maria lúc Mẹ mang thai Giê-su.
                   Mẹ cũng thế, Mẹ là một báu vật.
                   Mẹ cũng không cần lo lắng xem
                   Có ai để ý đến vẻ đẹp của Mẹ.
                   Nhưng với những ai để ý tới,
                   Mẹ chia sẻ với họ một màu nhiệm.
                   Vẻ đẹp của Mẹ không từ Mẹ mà có,
                   nhưng từ sự sống của Chúa Giê-su bên trong Mẹ.
                   Đang âm thầm nở hoa.

                   Bạn cảm phục điều gì nhất với Mẹ Maria?
          Hãy nói với Mẹ về vài trò càng ngày càng to lớn bạn muốn Mẹ đóng trong đời sống của bạn.

*
*    *

NGÀY  3
Ngôi Lời trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta.
                                                      GIO-AN 1, 14
Một buổi chiêu nóng nực tháng bảy, Joni Eareckson, một cô gái 17 tuổi bị tê liệt vì một tai nạn trong khi lặn trong vịnh Chesapeake. Rất buồn là các bác sĩ đều xác nhận điều mà tất cả mọi người đều lo lắng, đó là Joni sẽ không bao giờ cử động được chân và tay.
Nhờ đọc kinh và Thánh Kinh hằng ngày, Joni thấy bắt đầu những hy vọng mới cho đời cô – những điều mà cô chưa hề mơ tưởng tới trước khi gặp tai nạn. Chẳng hạn,  cô đã trở nên một họa sĩ khéo léo, ngậm bút lông giữa hai hàm răng.
Một trong những bức họa Joni ưa thích nhất mang hình Mẹ Maria nghe tin mình sẽ trở thành Mẹ của Giê-su, Joni nhận xét như sau:
Khi tôi ngồi ngả ra và ngắm bức tranh đã hoàn tất, tôi không thể không ngạc nhiên về phép lạ nhiệm màu này, Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, Chúa Ki-tô nhập thể, một hài nhi thánh thiện. Đó là một phép lạ quá phi thường khiến cho các phép lạ khác trong Tân Ước bị lu mờ.

Điều gì làm bạn ngạc nhiên nhất về đường lối Con thiên Chúa nhập thể hai ngàn năm về trước?
Hãy nói với Mẹ Maria về những ý tưởng và cảm xúc Mẹ đã có trước khi Chúa Giê-su ra đời.

*
*    *

NGÀY 4
Thiên Chúa ở cùng bà… Đừng sợ hãi.
                                    LU-CA 18, 30
Một người cấm phòng đã được điều trị về phân tâm học vì những vết thương tâm lý qua sự bạo hành phải chịu hồi nhỏ. Bà viết như sau cho linh mục linh hướng:
Con đã hoàn toàn chống đối khái niệm làm mẹ cho nên con đã vô tình từ chối tình yêu của Mẹ Maria. Sau khi cha giảng về sự trở về của mỗi cá nhân, con đã đi ra ngoài – cảm thấy hết sức cô đơn. Con cầu xin có mọt sự trở về nào đó. Con muốn khóc, nhưng nhiều tháng qua không khóc được.
Cha có để ý đến ngôi nhà tròn gần nghĩa trang không. Con vốn rất tò mò .Do đó con tới đó mở cửa. Khi con nhìn bên trong, lòng con đầy sợ hãi. ở đó có một bức tượng lớn của Mẹ Maria đứng. Phản ứng đầu tiên của con là chạy trốn vì tức giận. Nhưng có cái gì từ từ đẩy con quì xuống trước chân Mẹ. Rồi con khụy xuống, gục đầu vào vạt áo Mẹ và khóc.
Khi thôi khóc, con cảm thấy được thanh tẩy và đổi mới. Con rời nơi này với ước muốn trở thành một đứa trẻ tin cậy. Còn quan trọng hơn nữa, con cảm thấy một tình mẹ đã chạm đến tâm hồn con – để lại trong con một ước muốn thật sự là tha thứ cho người mẹ đẻ của con.

Có vết thương nào bạn còn mang qua sự bạo hành phải lãnh chịu hồi nhỏ không?
Hãy nói với Mẹ Chúa Giê-su nhân lành về những vết thương này.

*
*    *

NGÀY 5
Ông Si-mê-on…nói với Maria, Mẹ của Hài Nhi:
 “Và sự buồn phiền sẽ như một lưỡi đòng đâm suốt tim bà”.
                                                           LU-CA 2, 34-35
Một nhà truyền giáo viết về những người mẹ Nam Mỹ phải chạy trốn trước những áp bức về chính trị:
Cũng như Maria chạy trốn cùng với con để tránh sự đe dọa của vua Hê-rô-đê, một số sẽ tìm được sự an toàn ở các quốc gia lân cận.
Đề cập đến những bà mẹ có con bị chính quyền bắt giải đi, nhà truyền giáo này viết:
Khi tôi thấy Maria ôm thân xác không hồn của con mình, tôi cũng thấy những bà mẹ khác đang lập lại khung cảnh này nhiều cách khác nhau… Nếu chúng ta có thể nghe tiếng kêu thảm thiết của trái tim những bà mẹ này, chúng ta cũng phải nghe được tiếng kêu trong trái tim u sầu của Mẹ Maria.
                                            Victor Schymeinsky, Maryknoll Magazine.

Những nỗi đau buồn nào của Mẹ Maria đã được phản chiếu trong chính tấm lòng của một người me của bạn?
Hãy nói với Mẹ Maria về những nỗi u sầu trong tim Mẹ.

*
*    *

NGÀY 6
Đối với Chúa không có gì là không thể làm được
                                                  LU-CA 1, 37
Nhiều năm về trước, “Bài ca của Bernadette” là một cuốn sách bán chạy nhất và đã được làm thành phim nhiều người coi. Câu chuyện của cuốn sách kể lại thời kỳ của Thế Chiến thứ hai.
Nhà văn Do Thái Franz Werfel và vợ ông đang chạy trốn Đức Quốc Xã. Khi lính canh chận họ lại tại biên giới Tây Ban Nha, họ lẩn tránh tại một nơi gần Lộ Đức, nguyện đường tôn thờ Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giê-su. Đêm đó đứng trước nhà nguyện Werfel đã cầu nguyện như sau:
Tôi không phải là một tín hữu, và tôi phải thú thật như vậy. Nhưng trong lúc khẩn cấp, tôi sẵn sàng chấp nhận sự sai lầm của tôi về Thiên Chúa, tôi xin Ngài giúp đỡ tôi và vợ tôi.
Werfel trở về làng. Ông cho một người bạn biết chưa bao giờ ông cảm thấy được bình an như vậy sau khi cầu nguyện. Chỉ trong vòng vài ngày, cặp vợ chồng có thể vượt qua biên giới Tây ban Nha, lên tầu và đi qua Mỹ. Việc đầu tiên Werfel làm khi tới Mỹ là viết lại câu chuyện về Lộ Đức và phép lạ chữa lành. Ông đặt tên cho câu chuyện này là “ Bài ca của Bernadette”.

Hãy nhớ lại một lần bạn cầu xin Mẹ Chúa Giê-su giúp đỡ.
Hãy nói với Mẹ Maria về tình Mẹ lo lắng đến cá nhân của bạn.

*
*    *

NGÀY 7
Một hình ảnh cao sang xuất hiện trên trời:
 một bà mặc áo mặt trời, chân đạp lên mặt trăng
và trên đầu đội vương miện kết bằng mười hai vì sao.
                                             KHẢI HUYỀN 12, 1
          Maryanne Raphael đang xem lễ cùng các trẻ em tham dự lớp Thánh Kinh mùa hè. Chúng đang hát một thánh ca có ca ngợi Mẹ Maria:
          Ôi ! Mẹ Thiên Đàng, ngôi Sao Biển,
          Hướng dẫn những kẻ lữ hành dưới thế trần…
          Xin cứu chúng con khỏi hiểm nguy và kẻ thù.
          Mẹ Chúa Ki-tô, Ngôi Sao Biển,
          Xin cầu cho những kẻ lữ hành, xin cầu cho con.
          Bỗng nhiên Maryanne nghe có tiếng khóc nức nở phát ra từ một người đàn ông rách rưới ngồi ở ghế cuối. Bà đến hỏi thăm xem ông này ra sao. Ông nói:
          Chính vì bài ca đó. Tôi chưa được nghe từ khi tôi còn là đứa trẻ… Đã nhiều năm, đây là lần đầu tôi đến nhà thờ. Bây giờ tôi chỉ đến để có chỗ ngồi nghỉ chân.
          Sau đó, Maryanne thấy người đàn ông này đi lễ Chúa Nhật đều đặn.
          Mẹ Chúa Giê-su đóng vai trò gì trong việc giúp bạn
           hiểu Chúa Giê-su ?
          Xin hãy nói với Mẹ về điều này.

*Nguồn: http://www.giaophanbacninh.org/?p=4586

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét