Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đề tài 3: Đời bạn

ĐỀ TÀI 3
ĐỜI BẠN

Đời bạn mang ý nghĩa gì?

“Ta đến để chúng được sống và sống sung mãn hơn”
                                                                   GIO-AN 10, 10.
          Jerry Kramer trước đây chơi banh cho đội Green Bay Packers và đã tìm được chọn vào đội các Cầu thủ xuất sắc (All-Proteam) tất cả là bốn lần (đây là một vinh dự cho lực sĩ). Anh có ghi lại những diễn biến sự nghiệp của mình trong một nhật ký mà sau này được xuất bản dưới tựa đề “Chiếu lại cuộn phim: Nhật ký đội Green Bay của Jerry Kramer”.

          Trong một đoạn ghi ngày 26 tháng 11, Jerry thuật lại cuốn phim Cool Hand Luke, nói về một nhân vật có tính tình ngang tàng, đã vào tù ra khám gần như suốt đời. Sau lần vượt ngục cuối cùng Luke đi vào một thánh đường cũ kỹ, quì xuống và nói những câu đại khái như thế này: “Bố ơi, ông có kế hoạch gì cho tui không? Chuyện gì sẽ xẩy đến cho tui đây? Ông sinh tui ra đời làm chi?. Jerry bình luận về cảnh trên và viết thế này:
          Chính tôi cũng tự hỏi những câu tương tự. Tôi thường thắc mắc không biết đời tôi sẽ đi về đâu, sự hiện diện của tôi trên quả đất này có mục đích gì hay chỉ tiếp tục chơi banh mỗi Chúa Nhật, một thứ trò kỳ cục. Tôi nghĩ rằng đời sống phải có gì hơn thế chứ. Chắc phải có lý do chứ… Nhưng sáng nay tôi chẳng tìm thấy câu trả lời nào cả. Tôi chỉ suy tư một tí về việc này thôi.
          Những bài suy niệm tuần này tập trung vào ý nghĩa của cuộc đời. Vì thế ân sủng mà bạn cầu xin trước mỗi buổi thao luyện là:
          Lạy Chúa, xin dạy con biết ý nghĩa của cuộc đời.
          Xin nhắc lại, bạn hãy nên trung thành áp dụng “Ba bước suy niệm”, như đã được mô tả nơi trang XIII và XIV. Rất quan hệ. Nếu bạn vẫn còn trắc nghiệm về giờ giấc, nơi chốn hay vị thế khi suy niệm thì bạn nên tiếp tục ghi lại trong sổ tay. Nếu không, bạn có thể chấm dứt việc này.
          Sau hết, chúng tôi xin nêu ra một ý tưởng: Vài bạn cảm thấy thu ngắn Thánh Kinh dẫn ý mỗi ngày còn vài chữ là một cách rất hay. Thí dụ, đoạn Thánh Kinh mở đầu Ngày Một của đề tài này có thể được rút gọn thành “Từ đâu đến? Đi về đâu?”. Có thể ghi lại sáu chữ này trên một mẩu giấy, đặt trên bàn viết (hay bất cứ đâu) để nhắc nhở chúng ta trong ngày. Bạn hãy thử xem sao trong vài tuần. Biết đâu có thể có hiệu quả cho bạn!

*
*      *
NGÀY 1
“Ngươi từ đâu đến và ngươi sẽ đi đâu?” XUẤT HÀNH 16,8.
          Vua Edwin sống tại Anh quốc vào thế kỷ thứ 7. Một hôm , ông chuyện trò với một người bạn thân về sự ngắn ngủi của cuộc đời. Người bạn của ông mới so sánh như thế này:
Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy nhớ lại căn phòng họp  mà bệ hạ dùng để gặp gỡ các quan cận thần vào những đêm giá lạnh trước chiệc lò sưởi không lồ. Trong những buổi họp ấy, có một con chim sẻ lẻ loi vào phòng từ một kẽ hở và thoát ra một kẽ hở khác, thoáng hiện lúc vào cũng như thoáng ẩn lúc ra.
Đời sống cũng thoáng nhanh như đường bay của con chim sẻ kia. Khi còn trong phòng, tránh được cơn lạnh, nó hưởng được khoảng không ngắn ngủi ấm áp. Nhưng rồi nó cũng biến đi vào đêm tối. Không ai biết được nó từ đâu đến và nó bay đi đâu.
Đối với chúng ta cũng vậy,  thưa bệ hạ. Thời gian của chúng ta trên đời này rất ngắn ngủi, như đường bay của con chim sẻ nọ bay ngang qua phòng họp. Không ai biết chúng ta từ đâu đến và chúng ta sẽ đi về đâu.

Nếu có ai hỏi bạn từ đâu đến và sẽ đi đâu, thì bạn sẽ trả lời thế nào?
Hãy chuyện trò với Chúa về câu trả lời của bạn.

*
*      *
 NGÀY 2
“Xin dạy chúng con biết tính số ngày đời chúng con cho đúng, để chúng con được khôn ngoan trong tâm hồn” THÁNH VỊNH 90, 12.
Trong vở kịch đã thắng giải Pulitzer mang tựa đề “Phố của chúng ta” (Our Town), có người thiếu phụ trẻ, tên là Emily, đã phải chết đi khi sinh hạ đứa con đầu lòng của nàng. Nàng ngồi trên sân khấu của thế giới những người chết. Và trên một cảnh khác của sân khấu bên kia, bối cảnh của thế giới những người sống, Emily vừa được chôn cất xong và người ta đang rời khỏi nghĩa trang.
Sau đó, Emily biết được từ những người chết rằng nàng có thể chọn sống lại một ngày trong đời nàng. Tuy nhiên họ (những người chết) đều khuyên can không nên làm vậy. Nhưng nàng không nghe và chọn sống lại ngày hạnh phúc nhất của đời nàng, ngày nàng lên 12 tuổi.
Vở tuồng ngày ấy bắt đầu. Nhưng trước khi gần được phân nửa ngày thì nàng kêu lớn rằng “Thôi, thôi, tôi không chịu nổi nữa. Nhanh quá, chúng tôi không có đủ thời giờ để nhìn mặt nhau. Hãy trả tôi về nơi mộ phần của tôi – trên đồi”.
Và trong bồi hồi nàng hỏi một trong các người chết: Không biết con người có bao giờ nhận định cuộc đời từng giây từng phút khi họ còn sống không nhỉ?”
Người chết trầm ngâm một phút rồi buồn bã trả lời:
“Chắc không. Có lẽ chỉ có các thánh hay các thi sĩ mới làm được vậy đôi lần”.

Bạn có khuynh hướng sống vội vã mà quên không dừng chân trong giây lát để còn ngửi thấy mùi hoa không?
Hãy nói với Chúa làm thế nào để bạn có thể sống thư thả mà làm việc này (ngửi thấy mùi hoa).

*
*      *
 NGÀY 3
“Bởi thế mà ta dùng dụ ngôn để nói với họ, vì họ nhìn nhưng không thấy và họ nghe nhưng không để làm hay không hiểu gì”  MAT-THÊU 13, 13.

          Starbuck là tên một nhân vật trong vở kích Người Cầu Mưa (The Rainmaker). Hắn bất mãn về đời hắn một cách khủng khiếp nhưng không biết tại sao. Một nhân vật nữ khác, có tên là Lizzie, cho rằng đó là do ở lỗi của Starbuck. Cô ta kể rằng hắn chưa từng dừng chân lại để đủ thời giờ nhìn lại cuộc đời và để thấy cuộc đời thực sự như thế nào.
          Rồi Lizzie kể cho hắn nghe một ví dụ. Nàng kể rằng, một đôi khi đang rửa chén bát trong bếp, nàng nhìn cha nàng chơi bài với anh em trong nhà. Thoạt đầu, nàng chỉ thấy cha mình chỉ là một người đàn ông trung niên, không có gì bắt mắt lắm để nhìn hay dể chuyện trò. Nhưng càng nhìn lâu, nàng mới bắt đầu nhìn thấy nhiều điều khác. Cô ta nói:
          Tôi thấy nhiều việc nho nhỏ mà tôi chưa từng thấy nơi ông bao giờ. Điều tốt cũng như điều xấu – những quái tật nho nhỏ mà tôi không hề biết nơi ông – và những tài năng mà tôi không hề lưu ý về ông. Và bất chợt tôi mới hiểu được cha tôi – và tôi cảm thấy thương cha tôi vô ngần đến độ tôi muốn khóc! Tôi muốn cảm ơn Chúa đã cho tôi có đủ thời giờ để nhìn ra con người thật của ông.

          Cái gì đã ngăn cản bạn dừng chân lại để thực sự khám phá cuộc đời và tha nhân?
          Bạn hãy thảo luận với Chúa Giê-su về câu hỏi này xem sao.

*
*      *
NGÀY 4
“Anh em đừng lo lắng mình sẽ ăn gì uống gì…Cha anh em trên trời đã biết anh em cần gì (những thứ này). Vậy hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Người trước và Người sẽ ban cho anh em dư dật những sự ấy”.
                                                                   LU-CA 12, 29-31.
          Một người vừa lái xe vào trạm xăng Full Service. Ba nhân viên trạm xăng phóng ra ngay tiếp khách. Người thứ nhất lau kính xe, người thứ hai mở máy xe thăm nhớt, người thứ ba thử hơi bánh xe. Khi họ làm xong, người khách trả tiền xăng và lái đi.
          Ba phút sau, ông ta quay lại. Cũng cứ thế, ba người nhân viên trạm xăng lại phóng ra tiếp khách. Nhưng lần này, ông khách thò đầu ra cửa xe và nói: “Thật là kỳ cục, nhưng tôi cũng xin hỏi: có anh nào nhớ đổ xăng cho xe tôi không?”. Ba nhân viên nhìn nhau ngầm hỏi: Thì ra trong lúc quá bận rộn phục dịch, họ quên không đổ xăng cho vị khách.
          Câu chuyện buồn cười vừa rồi là một hình ảnh mô tả sự việc đôi lúc xảy đến cho chúng ta. Chúng ta quá bận tâm với cuộc sống đến độ chúng ta quên tại sao Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta không bao giờ ngừng lại để có đủ thời giờ tự hỏi: có phải những gì chúng ta hoạch định cho đời chúng ta là những gì chúng ta thực sự phải làm không?

          Hãy kể một việc gì bạn nghĩ bạn phải làm cho đời mình. Tại sao vậy?
          Bạn hãy thưa với Chúa về việc Ngài muốn bạn làm cho đời bạn.

*
*      *
 NGÀY 5
“Ai hy sinh mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ được sự sống”.
                                                                   MAC-CÔ 8, 35.
          Có một nhân vật trong quyển tiểu thuyết của John O’Hara mang tựa đề Tiếng Cười Sau Cùng (The Last Laugh) là một minh tinh màn bạc.
Cả đời, hắn là một người không ra gì,. Vì rốt cuộc, cuộc đời hắn đã đi vào ngõ cụt, và trở thành một con số không to tướng.
          Nhận thức tình trạng của mình, hắn tự nhủ: “Ít nhất mình cũng là thần tượng của nhiều kẻ ngưỡng mộ trên toàn quốc. Không ai có thể tước khỏi tay mình điều này”.
          Khi đọc hết những dòng sau đây, bạn sẽ cảm thấy muốn cười to lên và hét lớn: “Ăn nhằm gì, cậu! Bây giờ thì ai cần!”.
          Đối với mọi người thì luôn luôn có một hay nhiều con đường mở ra.
Hồn cao thì lặn lội đường cao, hồn thấp thì đi đường thấp, và kẻ ở lưng chừng thì lặn lội nơi đồng bằng mờ ảo. Nhưng mọi người đều có một lối đi cao và một lối đi thấp. Và mọi người đều phải quyết định một con đường cho linh hồn của mình vậy.
                                                                                      John Oxenham

          Nếu tiếp tục hướng đi cho đời bạn như hiện nay thì con đường bạn chọn lựa là con đường nào – cao, thấp hay lưng chừng?
          Bạn hãy nói chuyện với Chúa về đường đi của đời bạn hiện tại.

*
*      *
NGÀY 6
“Lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì lợi ích gì?”  MAC-CÔ 8, 36.

          Một đội banh dã cầu vừa cùng nhau dự buổi cầu nguyện trước khi ra sân tranh giải tiểu bang. Trong buổi cầu kinh, vị tuyên úy đội banh có nói cùng các cầu thủ trong đội banh rằng: “Điều quan hệ với chúng con, trong thập niên sắp đến, không phải là thắng lợi hay thất bại trong giải quán quân của tiểu bang. Nhưng chính là bản chất của các con trong khi cố gắng mang đến thắng lợi đó”.
          Cầu nguyện xong và trong lúc trở về phòng thay áo, vị tuyên úy nghe tiếng của huấn luyện viên nói cùng các cầu thủ rằng:
          “Anh em hãy ngồi xuống đi đã. Vị tuyên úy của chúng ta có nói một điều làm cho tôi phải suy tư. Tôi hoang mang không biết chúng ta phải làm gì để cố gắng giành thắng lợi trong mùa tranh giải này. Chúng ta có nên thành tâm hơn với chính chúng ta và với anh em chúng ta không? Có cần yêu thương hơn không? Cần quyết tâm hơn không? Chúng ta có đặt sự an sinh của đội bóng lên trên những quyền lợi riêng tư của chúng ta không? Chúng ta ta có trở nên những Ki-tô hữu tốt hơn không?
          “Tôi hy vọng và cầu xin Chúa giúp chúng ta làm được những điều đó, vì nếu không chúng ta đã làm mất lòng Chúa, chúng ta đã gây thất vọng nơi gia đình và bạn bè chúng ta, chúng ta đã bội phản chính chúng ta vậy”

          Bạn hãy suy niệm về lời nói của người huấn luyện viên.
          Hãy cầu xin Chúa giúp bạn áp dụng những điều đó cho đời bạn.

*
*      *
 NGÀY 7
          “Ta cho người được lựa chọn giữa sự sống và sự chết…và Ta sẽ lấy trời đất làm chứng cho những điều ngươi lựa chọn”ĐỆ NHỊ LUẬT 30, 19.

          Trong 15 tháng 4 năm 1912, chiếc du thuyền vĩ đại Titanic đã đụng phải một tảng băng và chìm xuống đáy đại dương, mang theo 1500 du khách.
          Bảy mươi năm sau, một tờ báo đã gợi nhớ lại cái tai nạn khủng khiếp này và nêu cho độc giả một câu hỏi gây nhiều kinh ngạc này: “Nếu bạn có mặt trên chiếc Titanic lúc ấy, bạn có nên sắp đặt lại các dây ghế trên boong tầu không?”.
          Thoạt nghe, chúng ta tự nhủ: “Thật là một câu hỏi kỳ quặc. Không ai còn đủ lý trí mà không nghe tiếng kêu cứu của những người đang chới với chết chìm thì còn thời giờ đâu mà đi sắp lại các hàng ghế trên con tầu đang đắm?”.
Tuy nhiên, nếu đọc tiếp, chúng ta mới hiểu lý do tại sao có câu hỏi trên. Và rốt cuộc chúng ta cũng tự hỏi: “Lẽ nào chúng ta cũng đang sắp lại các ghế trên con tầu đang đắm?”.
Ví dụ, phải chăng chúng ta quá lưu tâm đến khía cạnh vật chất mà làm ngơ khía cạnh tâm linh của đời sống chúng ta không? Phải chăng chúng ta quá bận tâm về những quyền lợi của chúng ta trong đời sống mà chúng ta quên đi hoàn cảnh của tha nhân và lý do tại sao Thiên Chúa trao ta sự sống?

Bạn trả lời những câu hỏi này ra sao?
Hãy thưa với Chúa về những câu trả lời của bạn.

*
*     *
 Phụ bản hướng dẫn đề tài 3
Bài đọc: Mac-cô 8,31-38 (hoặc đọc Mat-thêu 16, 21-28 hay Lu-ca 9, 22-27)
          Và Đức Giê-su bắt đầu dạy cho các môn đệ biết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại”. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Satan! Lui lại đằng sau Thày! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
          Rồi Đức Giê-su gọi đám đông với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lấy mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thiên thần trong vinh quang của Cha Người”.
(Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhóm Phiên Dịch CGKPV, NXB TpHCM).

*
*     *
 Hướng dẫn ý tưởng suy niệm
 Ngày Một:    Động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy bạn cố gắng sống đời
              sống Ki-tô hữu là động lực nào?
 Ngày Hai:     Nếu bạn có thể sống lại một ngày của đời bạn thì bạn chọn
                       Ngày nào? Tại sao?
 Ngày Ba:      Theo thứ tự lượng giá từ 1 (thấp nhất) đến 10 (cao nhất) thì      
                           hạnh phúc hiện tại của bạn ở vào mức nào? Giải thích.
 Ngày Bốn:     Hãy kể ra 3 việc mà bạn nghĩ sẽ thực hiện trong đời bạn.
                       Giải thích.
 Ngày Năm:    Hiện tại bạn đang nhận định bạn đang sống đời bạn theo lối
                        nào: cao, thấp hay lưng chừng? Giải thích.
 Ngày Sáu:      Bạn có nghĩ đời sống Ki-tô hữu của bạn hôm nay khá
                        hơn các năm trước không? Bạn làm cách nào để lượng
                        định như vậy?
 Ngày Bẩy:      Bạn có nghĩ là đôi lúc bạn cũng đang “sắp lại ghế trên
                        một chiếc thuyền đang đắm” không? Giải thích.

*Nguồn: http://www.giaophanbacninh.org/?p=365

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét