Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đề tài 14: Ơn gọi của người lãnh đạo

ĐỀ TÀI 14
Ơn gọi của người lãnh đạo
Tại sao Có Những Người Có Khả Năng Thu Hút Bạn ?
Các ông thấy chưa… Kìa thiên hạ theo ông ấy hết !
                                                GIOAN 12, 19

          Đám đông chen chúc hai bên vỉa hè các đường phố của thành phố  Springfield, Illinois. Họ hoan hô khi Tổng Thống Lincoln vừa đắc cử đi qua trên đường đến ga xe lửa. Tại nhà ga, Lincoln leo lên bục của trạm quan sát nhà ga. Khi dân chúng ngưng hoan hô, Lincoln nói:
          Bây giờ tôi tạm biệt các bạn… Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa tôi không thể thành công. Có sự trợ giúp này tôi không thể thất bại… Tôi xin gửi gắm các bạn trong tay săn sóc của Ngài, cũng như tôi hy vọng trong lời cầu nguyện của các bạn. Các bạn cũng sẽ gửi gắm tôi trong Chúa. Tôi xin thân ái chào tạm biệt các bạn.
Abraham Lincoln là một người dân chúng có thể tin cậy. Ông là một nhà lãnh đạo họ có thể theo.
Những bài suy niệm đầu tiên này chú trọng vào các nhà lãnh đạo giỏi và những gì đem đến cho họ oai quyền để thu hút kẻ khác. Ơn lành bạn tìm kiếm trong mỗi bài tập vẫn như cũ:
Lạy Chúa, xin để cho gương sáng của những nhà lãnh đạo tài ba thúc đẩy con làm những chuyện to tát.
          Để khởi sự chúng ta nên ôn lại phương thức suy niệm cho mỗi bài tập. Có ba bước:
  1. Chuẩn bị : thiết lập giai đoạn suy niệm.
  2. Hiện diện : tạo nên khung cảnh thích hợp cho việc suy niệm.
3. Bắt đầu bước một bằng cách nhớ lại những ơn lành bạn tìm kiếm qua việc suy niệm. Các ơn này thay đổi mỗi tuần và được ấn định trong phần giới thiệu mỗi tuần.
Sau đó đọc đoạn Thánh Kinh cho ta đề tài của bài suy niệm mỗi ngày. Sau khi đọc, nghỉ một lát để duyệt lại trong trí và để cho chìm sâu trong tim.
Rồi đọc câu chuyện phát triển đề tài suy niệm hằng ngày. Một lần nữa nghỉ một lát để duyệt lại trong trí và để cho chìm sâu trong tim.
Cuối cùng, đọc lại đoạn Thánh Kinh thật chậm trong tâm tình cầu nguyện. Đây là công việc Chúa làm.
Bước hai gồm có việc đặt mình trong sự hiện diện của Chúa. Một cách để làm điều này là nhắm mắt lại, để cho cơ thể thư giãn, và theo dõi nhịp thở của mình. Trong khi chú trọng đến nhịp thở, nhớ rằng hơi thở hướng về sự hiện diện của Chúa bên trong bạn. Sách Sáng Thế viết: “Ya-vê Thiên Chúa đã nắn hình người… và Người đã hà hơi sống vào mũi nó và người này bắt đầu có sự sống”(Sáng Thế 2, 7).
Khi bạn đã tự đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, bạn cần đi vào bước thứ ba. Để giúp cho sự suy niệm của bạn được dễ dàng, một đoạn hướng dẫn ngắn được thêm ở phía dưới mỗi câu chuyện. Mục đích của phần hướng dẫn không phải là để giới hạn việc suy niệm của bạn, mà là để kích thích bạn. Bạn có thể tùy nghi sử dụng phần này.
Chấm dứt cuộc suy niệm bằng hai việc sau đây:(1) đọc lại đoạn Thánh Kinh trong tâm tình cầu nguyện, và(2) nói với Chúa từ con tim, trong khi Thánh Thần tác động bạn.
*
*    *
NGÀY 1
Anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên
 vòm trời, là làm sáng tỏ Lời bạn sự sống
                                PHI-LIP-PHÊ 2, 15-16
Một ngày kia Jay Kesler đang đi ngang qua một khu nghèo khó ở thành Calcutta. Bỗng nhiên anh nghe thấy một tiếng động kỳ lạ. Anh quay lại và thấy một đứa trẻ tàn tật khấp khểnh tiến lại gần, xin tiền. Tay đưa cho đứa trẻ một nắm xu. Chỉ vài giây sau Jay lại nghe có tiếng ồn ào. Anh quay lại lần nữa. Lần này anh thấy đứa trẻ tàn tật bị bọn ăn mày lớn tuổi hơn đánh đập và cướp giật hết tiền.
Một ngày kia có một bà đến khu này và quyết định phải làm một cái gì. Bà đã bỏ ra hết của cải để mua một căn nhà cổ và biến nó thành một ngôi trường cho trẻ em. Bà không có bàn ghế. Bảng phấn là sàn nhà bà lau sạch bằng một cái giẻ rách và dùng một cái que để viết chữ.
Vào những năm kế tiếp, lòng tận tâm hy sinh của người đàn bà này dành cho những người nghèo khổ ở Calcutta đã thúc đẩy nhiều người khác tiếp tay với bà. Hôm nay mẹ Tê-rê-xa có 80 ngôi trường được trang bị đầy đủ, 300 chẩn y viện lưu động tối tân, 70 bệnh xá cho người cùi, 30 nhà cho người hấp hối, 30 nhà cho trẻ em bị bỏ rơi, và 40.000 người tình nguyện giúp bà trên toàn thế giới .
Mẹ Tê-rê-xa khác các nhà lãnh đạo khác hiện nay ở chỗ nào ? Điều gì làm cho người ta muốn theo bà ?
Bạn hãy nói với Chúa Giê-su về nhu cầu có những nhà lãnh đạo như mẹ Tê-rê-xa.

*
*    *

NGÀY 2
Ya-vê phán: “Xức dầu cho nó, và thần khí Ya-vê
đã đáp xuống trên Đa-vit”.1 SA-MU-EN 16, 12-13
Được biết Bá tước Wellington của nước Anh có nói về Napoleon như sau : « Sự hiện diện của người này trên bãi chiến trường có sức mạnh bằng cả 40.000 quân lính ».
Vua Đa-vit trong Cựu Ước cũng có một uy lực mầu nhiệm tương tự đã khuyến khích tinh thần của những kẻ đi theo nhà vua và đòi hỏi được ở họ lòng trung thành tuyệt đối.
Trong một trận chiến, Đa-vit bị căng thẳng hết sức. Sau đó Ngài bị kiệt sức và có nói là sẵn sàng đánh đổi mọi sự lấy một gáo nước múc từ  cái giếng Ngài ưa thích ở bên kia chiến tuyến địch quân cách xa nhiều dặm đường.
Không ngại ngần gì, ba quân sĩ của ngài đã lên qua chiến tuyến địch múc nước giếng đem về cho Đa-vit. Vua rất cảm động nhưng từ chối không uống nước. Ngài đổ nước đi như của lễ dâng lên Thiên Chúa và nói : « Xin Thiên Chúa đừng để ta làm điều ấy ! Nỡ nào ta uống máu của những người đã liều mạng đưa nước về đây ».(1 Sử biên niên 11,19).

Bạn tìm kiếm một đức tính nào trên hết nơi nhà lãnh đạo ? Tại sao bạn lại chọn đức tính này ?
Hãy nói với Chúa Giê-su về đức tính Ngài tìm kiếm nơi những kẻ Ngài đã chọn làm những người lãnh đạo.

*
*    *

NGÀY 3
Phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa,
 và phải mặc lấy con người mới.Ê-PHÊ-SÔ 4, 22-24
Báo Morning News của thành phố Dallas đăng một bài về nhà bơi lội Jeff Kostoff. Danh sách các kỷ lục và huy chương của Jeff chiếm trọn một trang. Nhưng danh sách này không đề cập đến người bạn thân thiết của Jeff ở bậc trung học. Jeff nói : « Anh ấy cũng là một tay bơi, nhưng không xuất sắc. Anh ấy ý thức được tài nghệ của tôi và thuyết phục tôi ngưng không chơi bời để tập trung vào môn bơi lội ».
Lời nhận xét của Jeff làm chúng ta phải nhớ lại những lời của Ralph Waldo Emerson : « Nhu cầu tối cao trong đời sống chúng ta là có người sẽ bắt chúng ta làm những gì chúng ta có khả năng ».
Lời Jeff cũng gợi lại những lời của Hồng y Duval viết cho giáo hữu của ngài như sau : « Những ý tưởng trừu tượng dù có cao đẹp biết bao cũng ít khi có thể làm cho người ta cảm động . Nhưng hãy để cho một con người tiến ra, có thể nói động vào trái tim, hãy để cho sự thật  được tuôn chảy từ chính cuộc sống người ấy. Và hãy để cho oai quyền của người ấy được bổ túc bằng một quà tặng tương xứng của tình yêu ; và bình minh của những ngày tươi đẹp hơn… sẽ làm sáng sủa cho bầu trời của chúng ta ».

Hồng y Duval muốn nói gì khi ngài đề cập đến một người có thể nói động vào những trái tim ? Bạn có thể nghĩ đến một người quen biết đã từng nói động được vào trái tim của bạn ?
Hãy nói với Chúa Giê-su về khả năng nói động được vào trái tim của nhân loại.

*
*    *

NGÀY 4
Đức Giê-su đi khắp các thành thị.. Thấy đám đông,
Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như
 bầy chiên không người chăn dắt. MÁT-THÊU 9, 35-36
Tinh thần quân sĩ Miền Bắc xuống thấp tới số không vào tháng 9 năm 1892. Cần có một phép lạ để đổi ngược tình hình. Người  được Tổng Thống Lincoln chọn để làm phép lạ này là Tướng McClelan, người đã huấn luyện rất nhiều quân sĩ Miền Bắc. McClellan cưỡi ngựa ô rong ruổi trên đường bụi mù của Virginia. Ông gặp đoàn quân đang thối lui, ông bỏ mũ ra vẫy họ và nói những lời khích lệ. Khi quân sĩ thấy người thày cũ của họ, có một cái gì thúc đẩy bên trong họ. Sau đây là bài tường thuật của sử gia nổi tiếng Bruce Catton khi ông viết về cuộc nội chiến trong cuốn sách nhan đề This Halowed Ground :
Suốt trên nhiều dặm đường Virginia, đoàn quân thảm bại bỗng dưng như sống lại, họ ném mũ và bị đeo lưng lên trời và hò reo cho đến khi họ khản cổ… vì họ thấy bóng dáng của người kỵ sĩ nhỏ bé in trên nền trời đầy sao mầu tím. Và đây, chính là khúc quanh của cuộc chiến… Không ai có thể giải thích được…
Dù có là gì đi chăng nữa, Lincoln đã có phép lạ mong muốn, và lịch sử đã thay đổi vĩnh viễn.

Hãy nhớ lại có lần nào có người đặt bạn vào một vai trò lãnh đạo. Trách nhiệm của vai trò này có ảnh hưởng gì đến bạn ?
Hãy nói với Chúa Giê-su về việc này.


*
*    *

NGÀY 5
           Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta, và đem lòng yêu mến.
          Người bảo anh ta : « Anh chỉ thiếu có một điều là hãy
 đi bán những gì anh có…Rồi anh đến theo tôi ».
                                                              MAC- CÔ 10, 23.
Tờ London Times có đăng một mục quảng cáo nhỏ xíu vào đầu thập niên 90. Không có hình ảnh gì đính kèm.
Cần người tham dự vào một chuyến đi nguy hiểm. Lương ít, lạnh lẽo, thấu xương, nhiều tháng dài trong tăm tối hoàn toàn, luôn luôn nguy hiểm, ngày trở về an toàn không chắc chắn, sẽ được nêu danh nếu thành công. « Sir Ernest Shackleton ».
Trên năm ngàn người khắp nước Anh đáp lại mục quảng cáo này. Trong số các người ghi danh Shackleton chọn được  hai mươi tám người cùng đi với ông trong chuyến mạo hiểm Nam Cực.
Chuyến đi được thực hiện vào năm 1915 trên chiếc tầu có tên là Endurance. Trong hành trình, chiếc Endurance bị đóng băng cứng nhắc « như một hạt hạnh nhân trong thỏi sô-cô-la ».
Cuối cùng con tầu bị băng đá đè bẹp, và thủy thủ đoàn phải kéo các đồ tiếp tế trên những xe trượt tuyết. Tuy nhiên tất cả mọi người đều trở về an toàn và được tuyên dương và nêu tên tuổi. Tất cả đều cùng đồng ý rằng chính nhờ vào tinh thần lãnh đạo quả cảm của Shackleton mà họ đã biến thất bại thành thành công.
Nhân loại ngày nay có sẵn sàng đón tiếp những thách đố như ngày xưa không ?
Hãy nói với Chúa Giê-su về sự sẵn sàng của bạn đối với những thử thách, liệu bạn có gặp người biết nói thẳng với con tim của bạn không ?

*
*    *

NGÀY 6
« Nếu có ai muốn theo Ta, kẻ ấy phải từ bỏ mình
 tự vác thập giá và theo Ta ».       LU-CA 9, 23.
Alan Paton ghi lại một cuộc đối thoại rất hào hùng trong cuốn sách của ông tựa đề « Ôi đất nước anh sao đẹp quá ». Đây là một câu chuyện giữa một người da đen và một người da trắng đã hy sinh không sợ cái chết để tranh đấu cho công bằng giữa các chủng tộc tại Nam Phi. Khi một người nhận xét rằng họ có thể sẽ bị lãnh nhận nhiều vết sẹo trên thân mình thì người kia trả lời rằng :
Chúng ta hãy nghĩ như thế này. Khi tôi lên trên ấy, vị Chánh Thẩm sẽ hỏi : « Bao nhiêu vết sẹo của ngươi ở đâu hết ? ». Và nếu tôi không có vết sẹo nào, thì Ngài sẽ hỏi « Thế không có lý do gì đáng kể để nhận lãnh những vết sẹo à ? ».
Lời nhận xét quả cảm này gợi lại cho chúng ta câu nói của Tổng Thống Theodore Roosevelt trước công chúng ở Chicago :
Tốt hơn là dám làm chuyện lớn để có những chiến thắng vẻ vang, dù cho có thất bại nhiều, còn hơn là bị xếp hạng những người nghèo nàn về tinh thần . Họ không được vui hưởng gì nhiều, mà cũng không chịu khó gì nhiều, vì họ sống trong hoàng hôn mù mờ không được biết đến những chiến thằng hay thất bại.

Xin cho biết bạn đã dám thử làm một điều gì liều lĩnh ?
Hãy nói với Chúa Giê-su về những lời của Roosevelt có thể áp dụng ra sao trong trường hợp của bạn.

*
*    *

NGÀY 7
Đừng đòi Ta phải bỏ rơi ngươi ! Ví dù ngươi có
đi đến đâu, Ta cũng đến đó, dù ngươi có cư
ngụ ở đâu. Ta cũng sẽ cư ngụ ở đó.  RUT 1, 16
Thử tưởng tượng cảnh một lãnh tụ chính trị, trẻ trung, mạnh dạn xuất hiện. Rõ ràng là ngay cả địch thủ của ông cũng thấy là vị lãnh tụ này không những có tài mà còn vị tha và sốt sáng giúp đỡ kẻ khác, nhất là người nghèo và bị áp bức.
Hơn nũa,  vị lãnh tụ này có một sức hấp dẫn vượt qua mọi ranh giới về  chủng tộc và tầng lớp xã hội. Ai ai cũng tin tưởng ở con người đáng kính này. Ai ai cũng công nhận rằng có bàn tay Chúa đặt để trên người lãnh tụ này.
Thử tưởng tượng bài diễn văn ông này nói trước công chúng. Với một lòng thương cảm và hiểu biết sâu xa. Vị lãnh tụ này mô tả những chương trình nhằm xóa bỏ mọi sự tham nhũng, giải phóng các đô thị khỏi những tay buôn ma túy và tội ác, canh tân các xóm nghèo, cải tổ hệ thống nhà tù, và xóa bỏ sự nghèo khó.
Ngay cả những chính trị gia thực tế nhất cũng phải thán phục về tài hiểu biết các vấn đề và khả năng giải quyết chúng. Họ quyết định rằng : « Nếu xã hội này có thể biến đổi, thì người trẻ này là người có thể làm được ».
Vị lãnh tụ này chấm dứt bài diễn văn và xin mọi người tình nguyện giúp đỡ.

Liệu bạn có tình nguyện không ?
Xin hãy nói với Chúa Giê-su về sự sẵn sàng hy sinh của bạn cho một người lãnh tụ như vậy và cho những mục tiêu như vậy.

*Nguồn: http://www.giaophanbacninh.org/?p=3693

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét